Nằm cuối ngõ đường Nam Tràng, quận Tây Hồ, cửa hàng Mậu dịch số 37 khá yên tĩnh và cách xa sự ồn ào của phố thị. Thực khách ghé thăm có thể lặng lẽ tận hưởng đồ ăn trong không gian hoài niệm.
Ngay từ khi dừng xe trước cổng quán, bạn sẽ thấy tấm biển tên được viết bằng tay hết sức độc đáo. Không gian bên ngoài gợi sự xưa cũ nhờ việc dựng chiếc xe máy Simson cổ, mang lại cảm giác về một cửa hàng đậm chất Hà Nội những năm trước đổi mới.
Đẩy cửa bước vào trong, thực khách như được trở về quá khứ vì không gian và tất cả mọi đồ vật, nội thất đều sử dụng chất liệu được xem như kỷ vật thời tem phiếu, giai đoạn những năm 1970 - 1980 của thế kỷ trước. Từ bức tường gạch sơn trắng, những vật treo tường như chiếc nón, xe đạp Thống Nhất, băng cát xét, đôi dép, tranh ảnh đen trắng... đến quạt tai voi, tivi cổ đều toát lên màu sắc thời gian.
Nhẹ nhàng, bình yên và xưa cũ là cảm nhận chung của đa số thực khách khi đến ăn tại quán. |
Ảnh Bên trong quán ăn thời bao cấp ở hà nội
Không gian chính của quán gồm ba gian. Ngoài cùng là các bàn ăn nhỏ và quầy lễ tân khắc họa lại cảnh xếp hàng mua tem phiếu đổi lương thực đặc trưng của thời bao cấp. Đi qua một lối nhỏ hẹp, bạn sẽ đến gian thứ hai là phòng ăn nhỏ, phù hợp cho nhóm đông người, khá riêng tư để tổ chức các buổi họp gia đình, bạn bè. Gian trong cùng thông với "Tổ phục vụ", gồm vài bàn ăn nhỏ. Trần nhà được trang trí những chiếc mẹt tre đầy ấn tượng.
Để gọi món, bạn phải chọn trong thực đơn, sau đó ra lễ tân đọc tên thức ăn và nhận phiếu mua đồ, đồng thời thanh toán. Trở về bàn, thực khách chỉ cần đưa phiếu cho người phục vụ và chờ thức ăn dọn lên.
Thực đơn cửa hàng được thiết kế giống quyển sổ mua lương thực thời bao cấp, bên ngoài ghi "Sổ đăng ký mua lương thực". Ngay cả những món ăn cũng có thể khiến thực khách là thế hệ đi trước xúc động khi đọc tên như cơm độn khoai, bánh đúc, phở không người lái, phở trộn cơm nguội, dưa xào tóp mỡ...
Cơm cháy Mậu Dịch với gân bò cay, món ăn được ưa chuộng ở quán. |
Mở cửa từ năm 2012, chủ quán là ông Phạm Quang Minh - một người sinh ra và lớn lên ở Hà Nội với những kỷ niệm sâu sắc về thời kỳ trước đổi mới. Ông luôn có ý định mở một nhà hàng như vậy để phục vụ những lớp người xưa ở Hà Nội, giúp họ có dịp tìm về kỷ niệm, đồng thời cũng là để bạn bè quốc tế hiểu thủ đô.
Cũng là người thích sưu tầm đồ cổ, ông đã phải bỏ ra nhiều tâm huyết, cất công đi tìm và sưu tập những vật dụng còn sót lại. Bên cạnh đó, cũng nhiều bạn bè, người quen trao tặng, bán lại để giúp vị chủ quán này hoàn thành tâm nguyện. Nhiều đồ vật trong quán có tuổi thọ lên đến 30, 40 năm.
Đặc biệt, bộ ảnh đen trắng ghi lại cuộc sống ở Hà Nội những năm 70 của thế kỷ trước do họa sỹ Lê Thiết Cương mua lại bản quyền từ nhiếp ảnh gia người Thụy Điển cũng được trưng bày tại đây.
Quán mở cửa khoảng 11h - 14h và 17h - 21h tất cả các ngày trong tuần. |
Khách đến quán chủ yếu là những người hoài cổ, thích hương vị món ăn xưa. Các du khách nước ngoài và những người tò mò cũng tìm đến. Đa số họ đều tỏ ra thích thú khi ngồi ăn trên những chiếc bàn thiết kế từ chân máy khâu cũ, bát ăn làm bằng sắt tráng men, dòng chữ nhắc nhở "ưu tiên thương binh", "cấm chen ngang"... Tất cả như gợi lại, đánh thức miền hoài niệm tưởng như đã ngủ yên trong lòng những người đang sống qua một thời gian khó, nhọc nhằn của đất nước.
Video Quán ăn thời bao cấp ở Hà Nội
Đánh giá của VnExpress: Ưu điểm: Không gian độc đáo, sáng tạo. Món ăn ngon, thực đơn đa dạng, được chế biến công phu mang hương vị xưa cũ. Là địa điểm lý tưởng để giới thiệu đến bạn bè quốc tế về ẩm thực và văn hóa Hà Nội. Khuyết điểm: Giá cả khá cao, không phù hợp với túi tiền của tầng lớp bình dân. Điểm của VnExpress: 3,5/5. Địa chỉ: 37 Nam Tràng, phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. |
Lê Thương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet