“Tụi tao vừa bị cướp, mất hộ chiếu, toàn bộ thẻ tín dụng và khá nhiều tiền”
- đó là tin nhắn hai người bạn Áo gửi cho tôi khi họ tới TP HCM cách đây vài năm. - ảnh minh họa
Là thành viên của Couch Surfing, cộng đồng homestay miễn phí toàn cầu, tôi vẫn thường đón tiếp và cho rất nhiều Tây balô đến từ khắp nơi trên thế giới ở nhờ. Một trong những điều đầu tiên tôi phải nói khi họ mới chân ướt chân ráo đến TP HCM, là luôn phải cẩn thận với cướp giật trên đường phố.
Trộm cắp xảy ra ở bất cứ đâu
Lời khuyên của tôi cùng những bí kíp mà họ thủ sẵn trước khi đến Việt Nam dường như vẫn khó thoát khỏi nạn trộm cướp lộng hành. Sabine và Werner, hai người bạn Áo của tôi kể từ lần bị cướp trên, đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ trải nghiệm hãi hùng khi vừa dừng xe lại ở trạm xăng thì một tên cướp phóng vụt đến, giật chiếc túi họ đeo trên người. Cặp đôi này sau đó phải mất rất nhiều thời gian đi trình báo công an, đến trình báo tại lãnh sự quán tại TP HCM, rồi đi thêm chặng đường 2.000 km để nhận hộ chiếu mới tại Đại sứ quán tại Hà Nội.
Lần khác, hai cô gái đến từ Thuỵ Điển và Na Uy - Kiki và Marit - thất thần chạy về nhà báo với tôi vừa bị giật mất túi ngay giữa phố Tây Bùi Viện (quận 1, TP HCM). Tôi thở dài, cười buồn với đống bí kíp họ vừa đọc được trên một trong những trang mạng du lịch lớn nhất thế giới: “Không có mối nguy hại nào khi du lịch ở đây, không có chiến tranh, không có bão, không lũ, không có thảm hoạ thiên nhiên, cũng không có vấn đề chính trị nào, nhưng cảnh giác là luôn luôn cần thiết. Giữ tiền và thẻ trong túi, đừng đặt trong ngăn khóa an toàn của khách sạn. Cố gắng đừng đeo theo túi khi đi ra ngoài. Nếu nói chuyện điện thoại, đứng sát cạnh tường chứ đừng vừa đi bộ vừa nói. Cực kỳ cẩn trọng nếu có ai đó lái xe máy tiến sát lại gần...”.
Là “Ta ba lô” đã lang thang qua nhiều nơi chốn trên thế giới, tôi không bao giờ kết luận “Chỉ ở Việt Nam mới thế”. Nơi đâu cũng có người xấu và người tốt. Trộm cắp, cướp giật có thể xảy ra ở mọi nơi. Anh bạn tôi đã phải vất vả đuổi theo tên cướp túi ngay giữa thủ đô Havana (Cuba), và trở lại với đầu gối đầm đìa máu me sau khi giằng co với kẻ cướp. Hoặc lần khác, người bạn đồng hành trong chuyến đi Ai Cập bị đòn chỉ vì phản ứng lại một nhóm trai trẻ người Ai Cập ở thành phố Aswan khi họ lại gần và giở trò “giúp đỡ”, nhưng kỳ thực là lừa đảo và toan tính chôm chỉa.
Bản thân tôi từng bị ăn cắp tiền khi để túi ngay trong phòng khách sạn tại Bangkok (Thái Lan) khi xuống sảnh ăn sáng trong vòng nửa tiếng, rồi suýt bị cưỡng hiếp ở Cancun (Mexico). Tôi từng nhanh tay đưa 1 USD khi “được” một anh chàng da màu to kềnh “lịch sự” hỏi xin tiền ở thành phố Houston (bang Texas, Mỹ) mà bạn bè tôi đã cảnh báo là họ có dao trong người.
Phần lớn thời gian đi du lịch một mình với hai chiếc ba lô, là nữ, nhưng tôi ít khi gặp phải những rắc rối hoặc trường hợp cực kỳ nguy hiểm (ngoại trừ vài câu chuyện lẻ tẻ kể trên). Dân đi du lịch bụi dày dạn biết rằng, bất trắc thường chỉ tìm đến với những người thiếu kinh nghiệm. Bằng việc chuẩn bị kỹ lưỡng, tìm hiểu về điểm đến cộng với một vài bí kíp dưới đây, bạn hoàn toàn có thể có được một chuyến đi an toàn và vui vẻ.
Ảnh: Ibtimes
1. Giữ tiền thông minh
Không nên mang quá nhiều tiền mặt khi đi du lịch nếu bạn không muốn biến mình thành con mồi của những tên trộm cướp. Khi mang theo tiền, bạn nên chia nhỏ ra nhiều phần và cất giữ ở những vị trí khác nhau: bóp tiền, đế giày, đáy ba lô, kẹp trong sách, hoặc túi bao tử…
Luôn phải có thẻ credit và debit với một số tiền dự phòng trong trường hợp cấp bách. Rút tiền mặt bằng thẻ có thể chịu phí, nhưng an toàn hơn nhiều việc mang một lượng tiền mặt lớn trong người.
2. Luôn phải có kế hoạch dự phòng
Photocopy và scan lại hộ chiếu (up lên các công cụ trên mạng như Drive, Dropbox), phòng trường hợp bị trộm cướp đồ đạc và mất luôn hộ chiếu.
Luôn ghi sẵn địa chỉ, số điện thoại của cơ quan lãnh sự Việt tại nơi đến trong sổ tay, để liên lạc và nhờ giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.
Nên liên lạc thường xuyên với ít nhất một người thân và bạn bè khi đi du lịch, để nhờ họ giúp nếu chẳng may bạn mất hết tiền bạc, hành lý.
Và không kém phần quan trọng, nhớ mua bảo hiểm du lịch trước khi đi.
3. “Vũ trang” bản thân không bao giờ thừa
Khả năng quan sát sẽ giúp ích rất nhiều khi bạn du lịch đến một đất nước xa lạ. Luôn tin vào trực giác của mình. Nếu cảm thấy không an toàn, rời đi ngay lập tức.
Là nữ, tôi thường thủ sẵn trong người một bình xịt hơi cay. Tham gia lớp võ tự vệ trước một chuyến đi dài cũng là một ý không tồi.
4. Cảm thấy nguy hiểm hoặc bị quấy nhiễu: la lớn để gây sự chú ý
Nếu nhận thấy mình đang bị kẻ xấu tiếp cận và tìm cách chôm chỉa, đừng ngại lớn tiếng để những người xung quanh biết để họ đứng về phía bạn. Kẻ xấu chỉ thắng khi bạn lạc lõng và không có ai giúp đỡ. Với các bạn gái, nếu cảm thấy mình đang bị quấy nhiễu, đừng mắc cỡ hay im lặng cho qua, vì như vậy sẽ tạo cơ hội lớn cho những kẻ chôm chỉa hoặc cướp giật đạt được mục đích.
5. Tìm hiểu về nơi đến
Một điều rất quan trọng mà phần lớn nhiều người hay coi nhẹ là bạn nên biết mình đang chuẩn bị đến đâu và phong tục, tập quán, tình hình an ninh, chính trị tại nơi đó như thế nào. Những thông tin này luôn có sẵn trên mạng Internet hay các trang du lịch lớn như Lonely Planet, Wikitravel, hay website của các blogger du lịch, hoặc các loại sách hướng dẫn du lịch.
Những nguồn thông tin này sẽ luôn cảnh báo bạn nếu tình trạng trộm cướp, phiền nhiễu khách du lịch tại điểm đến quá phổ biến. Hỏi qua những người đã từng đi cũng là một nguồn thông tin hữu ích.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet