Phượng hoàng là một trong tứ linh được người đời truyền tụng. Mặc dù sự tồn tại của phượng hoàng vẫn còn nhiều tranh cãi, nhưng phượng hoàng đất là hoàn toàn có thật. Phượng hoàng đất có tên khoa học Buceros bicornis, loài to nhất trong họ hồng hoàng , cư trú trong một số khu rừng ở VN và Tràng An - ninh bình là nơi được nhắc đến nhiều nhất.
Cảnh chiều yên bình tại Tràng An. Ảnh: dulichvietnam |
tràng an là khu du lịch sinh thái cách Hà Nội hơn 90 km. Với phong cảnh non nước hữu tình và hệ thống hang động hoang sơ, nhiều du khách sau khi hành hương bái Phật ở chùa Bái Đính, tham quan vãn cảnh cố đô Hoa Lư, thường ghé lại Tràng An.
Do đặc điểm môi trường tự nhiên, Tràng An có hệ động - thực vật phong phú, tính đa dạng sinh học cao. Du khách sẽ được dịp chiêm ngưỡng những bầy khỉ, sơn dương, cầy đổi màu, tê tê, rái cá… hồn nhiên nô đùa từ mặt nước đến cây cao.
Sau khi mua vé ở bến, du khách lên thuyền để bắt đầu cuộc hành trình ngao du sơn thủy. Theo dòng nước êm đềm, gió mát hiu hiu, chiếc thuyền lững lờ rẽ nước tiến vào trong. Dù nằm ngay bên đường lớn nhưng khi đã ngồi lên thuyền thăm thú Tràng An, dường như mọi ồn ã bị rơi vào quên lãng.
Trên triền núi, những đàn dê trắng nhởn nhơ gặm cỏ. Dưới mặt nước, những con chim le le bơi lội tung tăng, khi lại bay là là mặt nước. Trên trời sáo, khuyển, chim cu khoe tiếng vang trời, phá tan không gian trầm lắng của đồng ruộng, nước non.
Phượng hoàng đất là loài chim nằm trong sách đỏ, hiện sống chủ yếu ở Tràng An, Ninh Bình. |
Cũng sống thành bầy đàn nhưng phượng hoàng đất là loài chim quý hiếm, nên không ai phải cũng có cơ may nhìn thấy khi đến Tràng An. Phượng hoàng đất dài khoảng 95 - 120 cm có sải cánh rộng. Điểm nhận dạng là phần mũ mỏ màu vàng tươi và đen trên đỉnh chiếc mỏ lớn. Con mái nhỏ hơn và có mắt màu xanh lam thay vì mắt đỏ. Con trống thường rỉa lông để bôi chất nhờn màu vàng vào lông cánh sơ cấp cũng như mỏ để làm cho chúng có màu vàng tươi.
Nhiều người tin rằng, phượng hoàng đất sẽ mang lại may mắn cho ai được một lần bắt gặp trong đời. Dù điều đó có thật hay không, rõ ràng nếu được một lần chiêm ngưỡng phượng hoàng đất ở cố đô, bạn là người may mắn trong số hàng triệu lượt khách đến đây.
Nếu gặp may, bạn sẽ thấy phượng hoàng đất ở Tràng An. |
Phượng hoàng đất thường làm tổ vào đầu mùa mưa, khi rừng chưa ra lá non. Mỗi lứa phượng hoàng đất đẻ chừng 5 trứng, trong đó khoảng 3 quả sẽ nở thành con. Tổ của chúng cách mặt đất từ 5 m đến 15 m.Vì thế, để ghi được hình nếu có cơ may bắt gặp, ngoài một chiếc máy ảnh chất lượng cao, bạn còn phải là người giỏi leo cây và không sợ độ cao, thêm một chút hiểu biết về tập quán sinh sống để dễ tiếp cận ở khoảng cách gần.
Không chỉ có phượng hoàng đất, Tràng An còn khá nhiều điều hấp dẫn. Đó là không gian hiền hòa của con nước và cùng hệ thống hang động nối tiếp nhau: hang Tối có lòng hang rộng hẹp biến đổi bất ngờ; hang Sáng long lanh với những nhũ đá óng ánh kỳ lạ; hang Nấu Rượu và hang Cơm với truyền thuyết ông khổng lồ nấu rượu ở đây, mang rượu và cơm ra núi ngồi ăn...
Nhờ hệ thống hang động liên hoàn, chuyển tải nước đối lưu chảy thông qua khe núi, nên ở đâu và bất kỳ mùa nào trong năm, Tràng An cũng mát lạnh như mùa thu.
Kim Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet