Khách hàng được phục vụ súp thịt viên trong bệ xí xổm tại Jamban Cafe, ở Semarang, Indonesia
Du khách đến quán "Jamban Cafe" sẽ ngồi trên bồn cầu vây quanh bàn ăn, nơi các món ăn được phục vụ trong bệ xí xổm.
Trong quán cà phê ở Semarang trên đảo Java này, người ta phục vụ món “bakso” (thịt viên) truyền thống của Indonesia ngập trong nước canh tối màu đựng trong một bệ xí, cái bên cạnh thì đựng loại nước giải khát đỏ rực.
Thức uống cũng được phục vụ trong bệ xí xổm
Để phục vụ những người không ngăn được muốn ói mửa, ở lối vào người ta treo sẵn những cái túi nôn.
Những nhà hàng tương tự đã có ở nhiều nơi trên thế giới như Đài Loan và Nga. Nhưng phiên bản khiêm tốn này của người Indonesia có một sự khác biệt bởi mang mục đích giáo dục người dân về vệ sinh môi trường và khuyến khích việc tăng cường sử dụng nhà vệ sinh.
Anh Mukodas, một khách hàng 27 tuổi đã nói: "Lúc đầu tôi thấy phản cảm nhưng cuối cùng tôi cũng đã ăn một chút vì tò mò. Tôi nghĩ rằng ý tưởng này khá thú vị bởi nếu bạn cố gắng làm một chiến dịch tuyên truyền mà không có mánh lới quảng cáo như thế này thì chẳng ai quan tâm đến chúng."
Một khách hàng khác, Annisa Dhea, 15 tuổi, thừa nhận ban đầu cô bé cũng thấy việc bày biện này "một chút cũng không hấp dẫn" nhưng rồi cô cảm thấy phần nào yên tâm sau khi "chủ nhà hàng nói với tôi rằng thức ăn hoàn toàn sạch sẽ và vệ sinh".
Tên của quán cà phê - "Jamban" - có nghĩa là nhà vệ sinh trong tiếng Indonesia. Được mở từ hồi tháng 4/2016, quán này chỉ phục vụ những nhóm khách nhỏ có đặt chỗ trước.
Khách hàng thưởng thức một bữa ăn tại Jamban Cafe
Chủ quán, ông Budi Laksono, một chuyên gia về sức khỏe cộng đồng, người từng làm việc ở chính quyền địa phương, đã trò chuyện với khách hàng và cho họ xem các cuốn video nhằm khuyến khích người dân sử dụng tiện nghi chuyên dụng cho nhu cầu cơ thể cá nhân.
Hàng triệu người Indonesia hiện sống dưới mức nghèo khổ và nước này có tỷ lệ người phóng uế bậy cao nhất thế giới - một trong những nguyên nhân khiến lây lan bệnh truyền nhiễm.
Ông Laksono, 52 tuổi, nói: "Quán cà phê này của tôi tồn tại như một lời nhắc nhở rằng nhiều người ở Indonesia vẫn không có nhà vệ sinh".
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng cách tiếp cận khác thường của mình đã gây ra một số tranh cãi trong cộng đồng mà người Hồi giáo chiếm đa số: "Nhiều người chỉ trích cho rằng quán cà phê này không phù hợp và chống lại luật lệ Hồi giáo."
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet