Theo các chuyên gia, hành động này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình mà còn rất dễ bị đẩy lên thành một cuộc chiến tranh mạng giữa Việt Nam và TQ
Mấy ngày trở lại đây, những tin tức xung quanh vụ xung đột trên Biển Đông giữa Việt Nam và Trung Quốc đang trở thành đề tài nổi bật nhất trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng. Không chỉ có những tác động về mặt ngoại giao và chính trị, làng công nghệ cũng xuất hiện những hệ lụy không nhỏ kể từ ngày xảy ra vụ xung đột này. Dễ nhận thấy nhất trong số đó chính là việc xuất hiện ngày càng nhiều những vụ tấn công qua lại giữa các tin tặc từ cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc.
Chỉ trong 24h qua, đã có rất nhiều vụ tấn công bởi các Hacker tự nhận đến từ Việt Nam nhằm vào các Website của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp Trung Quốc.
Theo những con số thống kê không chính thức, đã có hàng chục Website của các tổ chức, doanh nghiệp Trung Quốc bị tấn công bởi các Hacker tự nhận đến từ Việt Nam. Hình thức tấn công chủ yếu nhắm vào các Website này là loại hình tấn công từ chối dịch vụ DDos. Bên cạnh những Website có nguồn gốc đến từ Trung Quốc, một số Website của các cá nhân, tổ chức với tên miền đến từ Đài Loan (.tw) cũng trở thành nạn nhân của các cuộc tấn công phá hoại này.
Sau khi xảy ra nhiều vụ tấn công từ phía các Hacker Việt Nam, cũng đã bắt đầu có những hành động đáp trả từ phía các Hacker Trung Quốc.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực CNTT, việc thực hiện các hành vi tấn công phá hoại nhằm vào Website của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân Trung Quốc là một việc làm đáng lên án. Hành động này không chỉ làm căng thẳng thêm tình hình mà còn rất dễ bị đẩy lên thành một cuộc chiến tranh mạng giữa 2 Quốc gia. Cũng theo các chuyên gia, nếu cuộc chiến ảo này có thực sự diễn ra, các doanh nghiệp và người dùng internet Việt Nam mới là những người phải chịu thiệt thòi nhiều nhất.
Mạnh Hưng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet