Những tác động từ việc ngân hàng xiết chặt cho vay tiêu dùng, tỷ giá đồng USD biến động cùng tâm lý ngại mua xe vào thời kỳ "kiêng kỵ" là nguyên nhân chính dẫn tới thị trường ôtô tháng 6 sụt xuống chỉ còn 9.749 xe so với 11.494 chiếc của tháng 5. Trong đó giảm mạnh nhất là dòng thương mại và đa dụng MPV/SUV. Đặc biệt, phân khúc xe 5 chỗ lại tăng đáng kể, chủ yếu nhờ Honda Civic.
Các đại lý bắt đầu cảm nhận được sự trầm lắng của thị trường cách đây vài tháng, khi khách hàng rất khó "xoay" tiền để mua xe. Đến tháng 5, dấu hiệu đó thể hiện rõ khi lần đầu tiên sau nhiều tháng tăng nóng, ôtô bắt đầu hạ nhiệt. Sang tháng 6, những dấu hiệu trở nên rõ hơn.
Escape mới của Ford Việt Nam chỉ bán được 16 chiếc trong tháng 5. |
Hầu hết các sản phẩm trong phân khúc đa dụng MPV/SUV đều giảm. Mẫu xe đang gây "chấn động" vì sự cố động cơ Innova giảm nhẹ so với tháng 5, xuống còn 1.415 chiếc. Chevrolet Captiva đã qua cơn sốt khi xuống 379 chiếc từ 592 của tháng 5. Một số đại lý GM Daewoo cho biết giờ đây khách hàng không còn cảnh chờ đợi để nhận Captiva như trước, mà ký hợp đồng xong là có thể nhận xe ngay. Tuy nhiên, do tác động của tình hình kinh tế nên lượng khách đã giảm đáng kể.
Mẫu xe quan trọng nhất của Ford Việt Nam, Everest đạt doanh số 309 chiếc, tăng gấp đôi tháng trước, sau những sụt giảm đáng kể do chuẩn bị cho ra mắt Everest AT (số tự động). Với những cải tiến về động cơ và hộp số, Ford hy vọng Everest sẽ có lợi thế ở phân khúc xe đa dụng MPV, vốn đang cạnh tranh khốc liệt với sự xuất hiện của Suzuki APV, Kia Carnival và sắp tới là Mitsubishi Zinger cùng Toyota Innova số tự động.
Các sản phẩm đa dụng MPV/SUV còn lại như Isuzu Highlander, Mitsubishi Grandis, cũng không tránh khỏi tình trạng bán chậm và doanh số chỉ chừng trên dưới 100 chiếc.
Ở dòng xe 5 chỗ (sedan), Honda Civic đang được coi là hiện tượng, khi tăng lên tới 790 chiếc, cao nhất kể từ khi trình làng tháng 8/2006. Nguyên nhân khiến Civic vẫn hấp dẫn khách hàng chủ yếu nằm ở chính sách niêm yết giá bằng tiền VND của Honda.
Khi tỷ giá đồng đôla tăng lên, khách hàng mua Civic là có lợi nhất. Chẳng hạn khi đôla có giá 17.500 đồng, chiếc Civic 1.8MT (giá niêm yết 486,7 triệu đồng) tương đương 27.800 USD, rẻ hơn Toyota Vios 1.5G giá 29.200 USD. Dù trước đó, với tỷ giá 16.000 USD, Civic 1.8MT tương đương khoảng 30.400 USD.
Hiện tại, Honda Việt Nam đang có biện pháp đối phó với việc biến động của đồng đôla và chính thuế bằng cách tiếp tục điều chỉnh giá Civic.
Các mẫu sedan của Toyota Việt Nam cũng có một tháng không tồi, khi vẫn duy trì ổn định. Vios là mẫu xe bán nhiều nhất, 282 chiếc. Tiếp sau đó là Camry với 237 xe. Corolla Altis đang bán nốt những xe cuối cùng, trước khi chuyển sang thế hệ mới, nên chỉ có 178 xe tới tay người tiêu dùng. Con số này chỉ bằng một phần tư so với đối thủ chính Civic.
Vidamco đã bắt đầu chuyển sang lắp ráp Chevrolet Spark nên lượng Matiz bán ra chỉ có vỏn vẹn 20 chiếc. Trong khi Spark khởi đầu với 190 chiếc. Tổng lượng sedan tiêu thụ của liên doanh Hàn Quốc này giảm nhẹ 40 xe so với tháng trước đó.
Phân khúc xe thương mại có mức giảm nặng nề nhất. Kể từ tháng 11/2007, đây là lần đầu tiên doanh số dòng xe này giảm xuống dưới 5.000 chiếc. Nguyên nhân chính là việc doanh số của đại gia Vinamotor tụt dốc không phanh. Trong tháng 5, Tổng công ty này bán được 1.432 chiếc, giảm 26% so với tháng 4 và 60% nếu đặt cạnh tháng 3.
Ngoài Vinamotor, các đối thủ khác cũng chịu chung tình cảnh. Vinaxuki lần đầu tiên kể từ tháng 10/2007 phải chứng kiến lượng xe bán ra xuống dưới 600 xe. Trường Hải thì giảm một mạch 700 chiếc so với tháng 5, chỉ đạt 1.404 xe.
Lần đầu tiên được thống kê, mẫu Kia Morning mà Trường Hải lắp ráp tiêu thụ được 275 chiếc, góp phần đưa nhà sản xuất này lên vị trí thứ hai, sau Toyota (2.282 xe). Đứng thứ ba là cái tên từng chiếm ngôi quán quân Vinamotor. Xếp thứ tư là Daewoo, còn Honda dù chỉ có mỗi Civic cũng đủ đứng vị trí thứ năm.
Trọng Nghiệp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet