Huyện Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, là biểu tượng Trung Quốc cổ, quê hương Khổng Tử, nơi vẫn còn những ngôi đền cổ. Vài năm nay, xe hơi chiếm trọn cuộc sống của thành phố nhỏ bé này. Nó như ngọn sóng thần quét sạch xe đạp, xe ngựa và thay đổi căn bản thói quen đi lại của người dân.
"Chúng tôi từng biết đến tắc đường", Song Wenjun, 63 tuổi, ông chủ một nhà máy bia địa phương tâm sự. Nhiều năm trước, tài xế lái chiếc Buick của Song đi trong thành phố 60.000 dân dễ dàng và chỉ phải dừng ở một trong 4 đèn đỏ. Giờ, số đèn tín hiệu tăng lên 20 và đường lúc nào cũng tắc.
Người Trung Quốc bỗng có tình yêu đặc biệt với xe hơi. Họ thay đổi cách sống vì nó, giống như người Mỹ những năm sau chiến tranh thế giới thứ hai. Câu chuyện của Song thể hiện ước mơ đó.
Người phụ nữ đi qua chiếc xe của liên doanh Shanghai GM. Hãng xe Mỹ đang có tham vọng đạt 2 triệu xe trong năm nay, tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm. |
Nếu hãng bia Sun King của ông vật lộn vì khủng hoảng thì nhiều công nhân vẫn cố gắng dành dụm để có thể mua một chiếc ôtô đủ an toàn và rẻ, khoảng 6.000 USD cho bản tiêu chuẩn. Hơn 100 người, trong số 2.000 lao động, ở Sun King vừa mua ôtô lần đầu tiên. Họ cùng với hàng triệu người Trung Quốc khác gia nhập danh sách khách hàng của các hãng xe, trở thành tầng lớp trung lưu, giống như nhiều người Mỹ.
Sự bùng nổ ôtô là cơ hội để những gã khổng lồ Mỹ nhảy vào kiếm tiền, hòng cân bằng với những tồi tệ ở chính quốc. Trong số đó, General Motors may mắn hơn cả với doanh số tháng 5 tăng tới 75% so với cùng kỳ 2008.
GM cho biết doanh số ở Trung Quốc của hãng hiện chiếm tới 25% lượng bán ra trên toàn cầu. Không chịu ảnh hưởng từ những khó khăn ở Mỹ, nhà sản xuất này vẫn tiếp tục ăn nên làm ra tại đất nước đông dân nhất thế giới.
"Nếu bạn muốn tăng doanh số nhanh chóng, đây là nơi tốt nhất để đầu tư", Yale Zhang, nhà phân tích của CSM Worldwide chi nhánh Thượng Hải nhận định.
Tổng lượng xe tiêu thụ tại đây có cơ hội đạt 11 triệu chiếc trong năm nay, tăng 17% so với 2008, mức tăng trưởng mà cả châu Âu và Mỹ nằm mơ cũng không thấy. Ngoài ra, số xe này gấp 20 lần một thập kỷ trước và có thể đủ để trở thành thị trường ôtô lớn nhất thế giới.
1,3 tỷ người "đang điên cuồng vì ôtô" là nhận định của Michael Dunne, Giám đốc điều hành hãng tư vấn J.D. Power and Associates chi nhánh Thượng Hải đánh giá. Điều đặc biệt là dường như thị trường này không chỉ ảnh hưởng bởi nền kinh tế, mà còn bị chi phối lớn từ yếu tố tâm lý.
"Người ta cảm thấy thỏa mãn, sung sướng và tự hào khi đi từ chỗ A đến chỗ B bằng chính chiếc xe của mình, theo đúng cách họ thích. Ôtô là cơ hội thể hiện sự thành công", Dunne phân tích.
Xu Meng là ví dụ điển hình. "Tôi khó mà nhớ được cuộc sống không xe hơi trước kia, khi phải đi làm bằng xe đạp. Tất cả đều lười biếng", kỹ sư 40 tuổi, sở hữu chiếc Citroen CX, nói.
Xu cho biết 60% bạn anh có ôtô. Những người còn lại đang học lái. Nhân viên bán hàng Zhang Jinghong thì tất bật với những hợp đồng và đi tổng cộng 200.000 km trong vòng 3 năm trên chiếc Volkswagen Passat, tức mỗi ngày khoảng 200 km.
"Tôi phải chăm khách hàng cũ và mở rộng khách hàng mới. Không thực sự thích lái, nhưng ôtô thực sự tiện lợi và nó là biểu tượng tạo nên niềm tin ", Zhang, 48 tuổi nói.
Do mới phát triển và mang nhiều ý nghĩa tài sản hơn phương tiện giao thông nên dòng xe hạng nhỏ không mấy được ưa chuộng ở Trung Quốc. Chúng có thể bán chạy ở châu Âu, Nhật. Nhưng sang đây thì không.
"Giống Mỹ, người Trung Quốc thích những chiếc xe to và sang trọng. Bởi đó là giấc mơ mà họ muốn đạt tới, thể hiện sự giàu có và đẳng cấp", Zhong Shi, nhà phân tích ôtô tại Thượng Hải phân tích.
Điều đó lý giải vì sao các hãng xe Mỹ lại đạt được thành công dễ thế. GM, Ford cùng các hãng nước ngoài khác chiếm phân khúc hạng trung và hạng sang. Để lại khu vực giá rẻ thấp cấp cho các hãng nội địa như Chery, Geely.
Nhiều hãng nội địa nhận ra điều đó và cố gắng thay đổi quan niệm của người tiêu dùng. Tại triển lãm Thượng Hải diễn ra hồi tháng 4, Chery giới thiệu thương hiệu hạng sang Riich với sản phẩm đầu tiên là M1, giá từ 6.000 đến 8.800 USD.
Lin Chen, 28 tuổi, sau khi ngồi thử ghế lái tỏ ra không mấy hài lòng. "Tôi không tin tưởng xe Trung Quốc vì yếu tố an toàn. Nhưng chúng khá hợp lý với giá tiền".
Các nhà sản xuất khác cũng cố lột xác để vươn lên đẳng cấp cao hơn. Geely giới thiệu mẫu xe có ghế massage với mục tiêu biến khách hàng thành "đế vương". Giá xe cũng xứng tầm, 146.000 USD. Nó có khách hàng hay không lại là chuyện khác.
Thực tế là người ta mua xe của các hãng nội địa không phải vì chất lượng, thiết kế đẹp hay an toàn. Đơn giản chỉ vì chúng rẻ.
Thế nhưng, dù sang trọng hay bình dân, đắt hay rẻ, Trung Quốc vẫn là thị trường mênh mông để các hãng khai thác. J.D. Power tính toán có tới 85% thanh niên vẫn chưa có ôtô.
Patrick Zhou, 25 tuổi, cho rằng nhu cầu là không bao giờ hết. Anh là trợ lý bán hàng cho BYD (Build Your Dreams), hãng ôtô và sản xuất ắc-quy có cổ phần của tỷ phú Warren Buffett và đang cố gắng thâm nhập vào phân khúc hybrid.
"Ở Mỹ, các công ty làm mọi cách để tồn tại. Còn tại đây, thị trường thật tuyệt vời".
* Ảnh văn hóa xe hơi của người Trung Quốc |
Trọng Nghiệp (theo USA Today)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet