Chiếc Omega Planet Ocean với màu da cam. |
Model mới nhất của dòng Seamaster có hai cỡ vỏ khác nhau, gồm một chiếc đường kính 45,5 mm và chiếc kia là 42 mm. Sự ra đời của chiếc đồng hồ này gợi lại sự kiện lần đầu tiên hãng Omega trình làng chiếc Seamaster có thể xuống độ sâu 300 mét năm 1957.
So với thế hệ đàn anh, Omega Planet Ocean xứng đáng được coi là "hậu sinh khả uý" về khả năng chịu nước. Ngoài chiếc gioăng đặc biệt giúp núm vặn kín nước, Planet Ocean còn có van thoát khí helium đặc biệt đặt tại vị trí 10 giờ. Thiết bị này cho phép tất cả những phần tử helium xâm nhập vào đồng hồ do chênh lệch áp suất có thể thoát ra ngoài khi giảm áp. Điều này giúp đồng hồ tránh những hư hại và cho phép nó chịu nước được đến độ sâu 600 mét.
Ngoài màu đen cổ điển, chiếc Omega Planet Ocean còn cho người sử dụng có thêm một trải nghiệm mới với chiếc vành xoay một chiều màu da cam. Gam màu hiện đại này phù hợp với dòng đồng hồ thể thao, đồng thời rất dễ quan sát khi ở dưới nước.
Hai anh em song sinh Omega Planet Ocean. |
Để đáp ứng chức năng là loại đồng hồ lặn, mặt số Planet Ocean sử dụng kỹ thuật dạ quang, người đeo có thể xem giờ trong điều kiện ánh sáng kém. Bên dưới phần mặt số này là bộ máy cơ sử dụng kỹ thuật hồi đồng trục (Co-Axial Escapement) nổi tiếng của Omega, có khả năng dự trữ năng lượng 48 tiếng.
Bộ máy cơ có hồi đồng trục là công nghệ độc quyền do Omega giới thiệu lần đầu tiên vào năm 2001, sau nhiều năm hợp tác nghiên cứu với chuyên gia nổi tiếng trong ngành chế tạo đồng hồ là George Daniels. Công nghệ này giúp giảm tối đa sự ma sát trong tâm máy, cải thiện đáng kể sức bền và độ chính xác của bộ máy cơ.
Đình Chính
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet