Dọn bùn theo con nước
Việc dọn dẹp nhà cửa sau lũ thường tốn nhiều thời gian, sức lực. Sinh ra và lớn lên ở thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi thường xuyên phải đối mặt với những trận bão lũ, ngập lụt nghiêm trọng, Ngô Mỹ Hà Giang (SN 1993) đã chia sẻ những bí quyết dọn nhà đầy hữu ích.
Nếu không kịp dọn nhà sau lũ, bùn sẽ đóng thành lớp dày, rất khó dọn dẹp. Ảnh minh họa
Theo Hà Giang, cách dọn dẹp tốt nhất sau trận ngập lụt là “dọn bùn theo con nước”. “Sau khi mực nước rút đến ngang bắp chân, người dân dùng chổi cọ, chổi cước liên tục khuấy nước để bùn không đọng lại trong nhà, đặc biệt là ở các ngóc, ngách nhỏ hẹp.
Nước hạ tới đâu, ta khuấy tới đó. Đến khi nước rút khỏi sàn nhà thì múc nước ngoài sân hoặc bơm nước sạch cọ rửa một lần nữa là ổn. Việc dọn dẹp sân bãi, đường cái cũng tương tự”, Giang chia sẻ.
Hà Giang cho biết thêm, sau lũ, trời thường hanh khô, thiếu điện, thiếu nước nên việc dọn dẹp rất vất vả. Nếu để bùn đất bám thành tảng trong nhà thì việc dọn dẹp càng khó khăn hơn. Thời điểm nước rút là lúc dọn nhà dễ dàng nhất.
“Quê mình vào mùa lũ, có khi người dân thức cả đêm để canh nước rút và xử lý bùn non”, Giang kể.
Trước khi chuyển lên Đà Lạt sinh sống, Hà Giang đã có 27 năm sống chung với lũ lụt. Trước đây, khi chưa có kinh nghiệm dọn nhà sau lũ, chị làm sai cách dẫn đến việc dọn dẹp gặp nhiều khó khăn.
“Ba mẹ mình dặn, dọn nhà phải theo thứ tự, cứ theo con nước mà khuấy, dọn góc nào sạch luôn góc đó. Nhưng mình lười nên chỉ khuấy sơ sơ, cứ nghĩ đợi lũ rút, có nước sạch thì dọn lại.
Ai ngờ, lũ tan thì thiếu điện, thiếu nước, bùn đóng thành lớp dày trong nhà, mất công vừa cạy bùn, vừa phải đi xách nước từ ngoài đường vào để cọ rửa. Vất vả cực kỳ”, Hà Giang chia sẻ.
Sau nhiều lần làm sai cách, cô gái Huế đã rút ra bài học quý báu trong việc dọn nhà sau lũ.
“Nước xuống là tranh thủ dọn dẹp bùn non luôn. Bàn ghế, tường nhà dính bùn thì đánh luôn cho sạch sẽ, nếu có nước máy thì xả lại lau khô, còn chưa có nước sạch thì xả sau”, Hà Giang đúc rút kinh nghiệm.
Nhàn thân nhờ có bí quyết dọn nhà sau lũ
5h sáng 12/9, vợ chồng chị Như Thủy (SN 1979, thành phố Tuyên Quang) đã dậy canh nước rút để dọn nhà. Bí quyết của chị cũng là nước rút đến đâu, dọn nhà đến đó.
Vợ chồng chị Thủy dậy từ 5h, canh nước rút để dọn nhà
Trận bão lũ vừa qua, có thời điểm nhà chị Thủy ngập cao 2m. Nước tràn vào quá nhanh, nhà chị chỉ kịp sơ tán một số đồ dùng lên tầng 2, tầng 3, những món đồ nặng như bàn ghế, tủ lạnh, tủ gỗ,... đều bị ngâm nước.
Sáng 12/9, khi thấy mực nước rút dần, vợ chồng chị kê cao đồ đạc để cọ nhà. Tận dụng nước lũ, chị lau sạch bùn bẩn bám ở cửa nhà, tủ bếp, cầu thang,... sau đó dùng chổi cước liên tục khuấy để bùn non tan ra, rút dần theo dòng nước lũ.
Sàn tầng 1 sạch bong sau thời gian ngắn cọ rửa
“Nước rút đến đâu bùn được đẩy ra đến đó. Đến khi nước rút khỏi tầng 1, vợ chồng tôi xối nước rửa lại một lần nữa là sàn nhà sạch boong. Việc dọn dẹp ngoài sân và đường cái cũng làm theo cách tương tự.
Nếu để đến lúc nước rút hẳn mới dọn dẹp, bùn đóng thành lớp dày thì việc dọn dẹp sẽ rất vất vả”, chị Thủy nói.
Vật dụng trước đó bị ngâm trong bùn được cọ rửa sạch sẽ
Sau vài giờ dọn dẹp nhà cửa theo dòng nước rút, tầng 1 của nhà chị Thủy đã sáng bóng, các vật dụng được lau rửa sạch sẽ. Chiều 12/9, vợ chồng chị vẫn canh nước rút để dọn dẹp nốt phần sân nhà và đường cái.
Nhờ có bí quyết trên, công việc dọn dẹp sau lũ của vợ chồng chị nhàn hơn rất nhiều.
Vì chưa có nước sạch, vợ chồng chị Thủy cọ rửa nhà hoàn toàn bằng nước lũ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet