Núi Chứa Chan không đẹp như bao ngọn núi khác, nhưng nó mang một vẻ hoang sơ. Cứ vào tháng 7 hàng năm, ngọn núi này lại đón hàng ngàn du khách từ khắp nơi đổ về dâng hương lễ Phật, làm cho cả ngọn núi nghi ngút khói hương và nhộn nhịp hẳn lên. Những người không đi dâng hương thì đến đây thử cảm giác chinh phục ngọn núi cao thứ 2 ở miền Nam này. Đường lên đỉnh núi quanh co, nhỏ hẹp, có rất nhiều cây cối mọc um tùm xanh mát, từng bậc thang đá được xếp ngay ngắn nhưng dài tít tắp thử sức người leo.
Ở trên đỉnh núi Chứa Chan, có ngôi chùa Bửu Quang nổi tiếng linh thiêng. Những gia đình mong có con cái, hay cầu bình an đều không quản khó nhọc leo lên núi, vượt qua hằng ngàn bậc thang xa tít tắp để lên đến đỉnh thắp hương, mong rằng sẽ được như ý nguyện. Đặc biệt, núi Chứa Chan còn nổi tiếng có cây ba gốc 1 ngọn. Tương truyền rằng, nếu cầu may ở dưới gốc cây này, mọi mong muốn sẽ thành hiện thực.
Tại sao gọi là Chứa Chan? Vào thế kỉ 17, có một vị quan người Việt là Việt Hùng, trong lúc giao chiến với quân Khmer, ông bị bắt cùng với người vợ của mình. Ông bị giam lỏng ở miền núi này và lập ở đây một ngôi miếu ăn chay tịnh. Còn vợ ông vì có nhan sắc nên đã bị vua Khmer ép làm vợ lẽ mặc dầu biết bà đang mang thai. Sau đó, bà sinh dưọc một con gái, đặt tên là Mai Khanh. 18 năm sau, khi cô gái lớn lên, bà đã kể sự thật về cha cô cho cô nghe. Cùng với một người nô bộc của mình cô quyết định đi tìm cha. Hai cha con gặp nhau trong niềm vui sướng, và họ quyết định bỏ trốn , họ bị người Khmer truy đuổi gắt gao. Trong lúc hoạn loạn, cả ba người đã gieo mình tự vẫn ở ngọn núi này. Người dân ở đây đã lập miếu thờ ba người, hiện nay trong chùa có 3 tượng được mọi người gọi là ông vàng, cô bạc và cậu chì là để chỉ ba người này. Biết được câu chuyện thương tâm đó, người dân ở đây đặt tên cho ngọn núi này là núi Chứa Chan để nói lên tình cảm chan chứa của gia đình họ.
Trải qua những biến thiên của lịch sử trong quá trình mở mang bờ cõi của cha ông ta thì ngọn núi Chứa Chan có lẽ là một đỉnh điểm trên bước đường Nam tiến. Tương truyền thời chúa Nguyễn, công chúa Ngọc Vạn đã đặt chân tới vùng đất này, thấy phong cảnh hữu tình non xanh thủy tú, bà đã dựng doanh trại lập đền chùa miếu mạo thờ phụng phật tổ thần linh.
Núi Chứa Chan là một thắng cảnh hữu tình tiêu biểu, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Đồng Nai. Vẻ đẹp của núi là sự tạo dáng của thiên nhiên kết hợp với bàn tay sáng tạo khéo léo của con người xây dựng. Cảnh quan thiên nhiên của di tích núi Chứa Chan hấp dẫn với nhiều dòng suối quanh năm tươi mát, nước chảy không bao giờ cạn; các cánh rừng với nhiều loại gỗ quý; hệ thống hang động, bãi đá kỳ vĩ kết hợp với những di tích do con người tạo nên như các ngôi chùa cổ, nhà nghỉ mát của toàn quyền Pháp, vườn trà của vua Bảo Đại… tạo thành một quần thể thắng cảnh độc đáo ở Nam bộ.
Từ độ cao 800m, phóng tầm nhìn ra xa du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh quan thiên nhiên hữu tình, và lòng người sẽ cảm thấy thư thái sau chặng đường dốc lắm gian nan vất vả.
Ngày nay, Núi Chứa Chan đang và luôn là điểm du lịch vô cùng lý tưởng, hấp dẫn đối với du khách gần xa, là nơi sinh hoạt truyền thống về nguồn rất có ý nghĩa. Du khách đến núi Chứa Chan sẽ được trở về với sự tĩnh lặng, hữu tình trong lành, mát mẻ của thiên nhiên, được viếng chùa cho lòng thanh thản, bình an, và quan trọng hơn là để hiểu, để tự hào và trân trọng thêm những giá trị truyền thống của nhân dân Miền Đông nói chung và Huyện Xuân Lộc nói riêng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet