Sinh ra tại thành phố Oslo (Na Uy), Maria Vân Nguyễn theo học ngành thiết kế thời trang tại đây trong hai năm. Sau đó, cô nghỉ hai năm và chuyển sang trường Parsons ở Mỹ, tiếp tục khóa học từ năm thứ hai. Thành phố New York (Mỹ) vốn được mệnh danh là “thánh địa” cho sinh viên thời trang bởi sự hiện diện của rất nhiều học viện nổi tiếng như Parsons, Pratt và FIT.
Maria Vân Nguyễn |
Nữ sinh 25 tuổi cho biết, không khí học tập trong học viện thời trang Parsons mang tính cạnh tranh cao. Ai cũng muốn đứng trong top hoặc thậm chí dẫn đầu. Ở những vị trí như thế, sinh viên dễ dàng thu hút sự chú ý của các tiền bối, nhờ đó có cơ hội lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ họ.
Vân Nguyễn không nằm ngoài dòng chảy cạnh tranh ấy. “Các cuộc so tài sẽ thật tuyệt nếu nó khơi nguồn cảm hứng mới và tạo động lực thúc đẩy mọi người cùng cố gắng, tiến bộ. Nó tuyệt nhiên không phải là cách để đạp người khác xuống và nâng mình lên”, cô nói.
Theo nữ sinh gốc Việt, nhìn chung các sinh viên của Parsons luôn trong tình trạng kiệt sức và căng thẳng vì khối lượng công việc khổng lồ cùng những cái deadline (thời hạn cuối) nộp bài vào mỗi tuần. Vân Nguyễn lý giải, khác với những nhà thiết kế đã thành danh, sinh viên thời trang thường phải làm tất cả các khâu của bộ sưu tập, ngay cả những việc nhỏ nhặt nhất. Chưa kể bên cạnh thực tập, họ còn phải ôn bài, tiếp thu kiến thức mới liên tục. Vì vậy chỉ cần một công đoạn nhỏ trong tuần này bị trì trệ sẽ làm ảnh hưởng quá trình học của nhiều tuần tiếp theo.
Vân Nguyễn tự làm mẫu cho các thiết kế của cô. |
Ở năm cuối sắp tốt nghiệp, Vân Nguyễn ngập đầu thực hiện các bộ sưu tập. Ngoài giờ học, các học viên thường bắt đầu đề án từ việc lên ý tưởng, chọn chủ đề cho bộ sưu tập đến phác thảo thiết kế, tìm hoa văn và chất liệu vải phù hợp. Sau đó, họ đến những công đoạn mất thời gian hơn như thử đồ lên người mẫu và may thành phẩm.
Vân Nguyễn khẳng định đây là ngành học tốn kém khi nói đến những khoản chi của sinh viên thời trang. Ngoài tiền học phí, cô và bạn học phải mua sách vở chuyên ngành, một bộ dụng cụ chuyên nghiệp dùng để may trang phục, tạo hoa văn mẫu... Nhưng tốn kém nhất luôn là khoản vải vóc và chi tiết đính kèm (chỉ màu, hạt nhựa, hạt đá, sequin…) cho mỗi lần làm bài tập. Để tiết kiệm, Vân Nguyễn thường bỏ nhiều thời gian lùng sục nguyên liệu trong các tiệm vải nhỏ với hy vọng mua được chất vải tốt với giá rẻ hơn.
Những thiết kế của Vân Nguyễn đi theo trường phái tối giản, thanh lịch. |
Được học tập tại những học viện thời trang tốt, những cá nhân nổi trội khi ra trường có thể nhanh chóng giành những giải thưởng lớn, thành danh và tạo dựng thương hiệu riêng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, không phải ai tốt nghiệp các học viện đều trở thành nhà tạo mốt. Họ có thể làm những công việc khác có liên quan đến ngành công nghiệp thời trang.
Khi được hỏi về sự lựa chọn nghề nghiệp, maria vân nguyễn chia sẻ, nếu hầu hết các ngành thiết kế khác như kiến trúc, đồ họa… đều tĩnh lặng thì thời trang là một thế giới vận động không ngừng. Theo cô, ăn mặc là chuyện mang tính cá nhân và cảm xúc, bị tác động bởi thế giới xung quanh, và có thể thay đổi hằng giờ. Cô cho rằng, mục tiêu cuối cùng vẫn là trở thành nhà thiết kế để tạo ra các trang phục mang cá tính của mình.
Hai thương hiệu mà nữ sinh gốc việt yêu thích là Acne và The Row. Cô học hỏi và đi theo lối thiết kế trang phục ứng dụng với phương châm “Less is more” (Càng ít càng tốt) - sử dụng chất liệu vải cổ điển và cách thiết kế tối giản để tạo nên trang phục thời thượng. Quan niệm của cô là, thời trang phải "effortless" (đơn giản, nhẹ nhõm), khiến người ta mặc đẹp và thoải mái. "Quần áo chỉ là một trong số nhiều vấn đề mà con người phải quan tâm hàng ngày. Nên càng tinh giản càng tốt", cô nói.
Sao Mai
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet