Cây đậu biếc vốn là một loại cây thân leo, thường được trồng làm hàng rào xanh mát. Ngày nay, cây này đang trở thành xu hướng trồng tại nhà, không chỉ bởi vẻ đẹp của những bông hoa xanh biếc mà còn nhờ vào vô số công dụng đối với sức khỏe. BTV VTV Hoàng Trang một trong những người yêu thích loại cây này đã tận dụng ban công của mình để trồng cây đậu biếc.
Nữ MC chia sẻ: "Rồi mọi thứ sẽ xanh tươi trở lại thôi! Ví như cây đậu biếc này, qua thời gian Tết không ai chăm, mình đã phải cắt cụt sát gốc chỉ để lại mỗi cái gốc vì tin cây sẽ đâm chồi trở lại. Đậu biếc nhanh lớn, ấy thế mà tận 7 tháng sau mới lại ra hoa. Mỗi ngày cây ra một mầm xanh mới mình lại thấy vui lắm. Và hôm nay thì trổ cùng lúc bao nhiêu hoa. Mình lại có trà đậu biếc uống rồi!"
Ban công của Hoàng Trang trở nên tươi mới và xanh ngát nhờ những dây leo đậu biếc. Những bông hoa nhỏ xinh mang đến cảm giác yên bình giữa phố xá nhộn nhịp, giúp không gian sống thêm phần thư thái, trong lành.
Cây đậu biếc đang leo lên, bung nở những bông hoa xanh rực rỡ. Đậu biếc phát triển nhanh, khiến người trồng như nữ MC VTV vui khi thấy từng chiếc lá, bông hoa vươn lên mỗi ngày.
Bông đậu biếc màu xanh tím len lỏi giữa những chiếc lá xanh mướt, tạo nên một góc ban công đầy sức sống. Sắc hoa dịu dàng như điểm xuyết thêm chút lãng mạn cho không gian nhỏ xinh.
Trước đây, cây đậu biếc chủ yếu được trồng làm hàng rào xanh nhờ vào tính chất leo bám và độ phủ tốt. Tuy nhiên, vài năm gần đây, đậu biếc đã dần trở thành một loại cây trồng phổ biến trên ban công, sân thượng nhờ vào vẻ đẹp và những lợi ích bất ngờ.
Hoa đậu biếc có màu xanh biếc hoặc tím nhạt, không chỉ giúp không gian trở nên tươi mát, sinh động mà còn có tác dụng chế biến thành trà, nước uống bổ dưỡng. Loại trà đậu biếc này giàu chất chống oxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch, làm đẹp da và giảm cân hiệu quả.
Bên cạnh đó, bông đậu biếc còn được sử dụng làm màu tự nhiên trong ẩm thực, đặc biệt là trong các món bánh, nước uống, tạo nên hương vị độc đáo và bắt mắt. Đây chính là lý do cây đậu biếc đang dần trở thành một "đặc sản" được săn lùng, với giá trị vài trăm nghìn/kg.
Ngoài khoe hoa đậu biếc, BTV Hoàng Trang còn thổ lộ: "Hôm nay đọc báo, Hải Phòng quê mình đang truyền đạm cho cây. Có lẽ sẽ cứu được phần lớn cây đổ sau bão! Hà Nội cũng đang dọn dẹp tinh tươm dần!". Điều đó cho thấy cô rất yêu cây cối và sống gần gũi với thiên nhiên.
Trước đó, người đẹp nhà đài chia sẻ hình ảnh ban công nhà cô trước siêu bão Yagi có rất nhiều loại cây. Cô đã dọn toàn bộ chậu cây treo xuống, dỡ hết toàn bộ đồ treo ở ban công để giảm thiểu thiệt hại.
Nữ MC rất yêu những mầm xanh, những sắc hoa rực rỡ. Thi thoảng cô khoe hoa và cây trong không gian nhà mình với đầy niềm cảm hứng.
Một góc ban công rực rỡ từng được nàng BTV đăng tải với những bông hoa hồng vô cùng tươi tắn sau thời gian được cô chăm sóc.
Ngay cả bàn làm việc của Hoàng Trang ở nhà đài cũng phủ đầy màu xanh. Cô dí dỏm: "Cơ quan có 1 góc bàn rất xanh. Trong những ngày deadlines đè chết người này, lại còn bị bỏ rơi, mỗi màu xanh là cứu rỗi được tâm hồn cô độc này thôi".
Ảnh do BTV Hoài Anh chụp lại, còn MC Thụy Vân gọi đồng nghiệp là "Nữ hoàng ẩn mình trong vườn cung điện". Bạn bè thích thú bình luận: "Ngạc nhiên quá đấy em. Sao lại có thể có một khoảng rừng trong phòng làm việc thế này được chứ!", "Chị Trang ở đâu cây xanh ở đó", "Lãng mạn quá"...
Nếu bạn cũng thích hoa đậu biếc như BTV Hoàng Trang, có thể tham khảo một số kiến thức cơ bản về cách trồng và chăm sóc cây đậu biếc như sau:
1. Chuẩn bị đất trồng
Chọn đất: Đậu biếc thích hợp với đất giàu dinh dưỡng, thoát nước tốt, như đất thịt pha cát, đất mùn hay đất trộn với phân hữu cơ.
Chỉnh pH đất: Đậu biếc ưa đất hơi chua đến trung tính, với độ pH khoảng 5.5 - 6.5.
2. Chọn giống và gieo hạt
Chọn giống: Bạn có thể mua hạt giống đậu biếc tại các cửa hàng bán cây cảnh hoặc lấy từ quả chín của cây đậu biếc khác.
Gieo hạt: Ngâm hạt trong nước ấm (khoảng 30-40 độ C) từ 8-10 tiếng để kích thích nảy mầm. Sau đó, gieo hạt vào chậu hoặc thùng xốp với độ sâu khoảng 1-2 cm, khoảng cách giữa các hạt là 10-15 cm.
3. Chăm sóc cây đậu biếc
Ánh sáng: Đậu biếc là cây ưa sáng, nên đặt cây ở nơi có ánh nắng trực tiếp ít nhất 6-8 giờ/ngày. Nếu trồng trong nhà, hãy đảm bảo cây được nhận đủ ánh sáng tự nhiên hoặc sử dụng đèn LED để bổ sung.
Tưới nước: Đậu biếc cần được tưới nước đều đặn, nhất là khi mới trồng và trong giai đoạn ra hoa. Tuy nhiên, tránh tưới quá nhiều khiến đất bị úng, tốt nhất là tưới vào sáng sớm hoặc chiều mát.
Bón phân: Để cây phát triển tốt, bón phân hữu cơ hoặc phân NPK khoảng 1-2 lần/tháng. Khi cây bắt đầu ra hoa, bạn có thể bón thêm kali để hoa nở nhiều và đẹp hơn.
4. Cắt tỉa và chăm sóc cây leo
Cắt tỉa: Sau mỗi đợt hoa tàn, cắt tỉa những cành khô, lá già để cây có thể phát triển tốt hơn. Điều này còn giúp cây tập trung dinh dưỡng cho những chồi non.
Hỗ trợ leo giàn: Đậu biếc là cây thân leo, nên bạn cần làm giàn hoặc cắm cọc để cây leo lên. Điều này không chỉ giúp cây phát triển mạnh mẽ mà còn tạo cảnh quan đẹp mắt.
5. Thu hoạch và sử dụng
Thu hoạch hoa: Bạn có thể thu hoạch hoa khi chúng đã nở rộ và có màu xanh tím đậm. Hoa đậu biếc có thể dùng tươi hoặc phơi khô để làm trà, tạo màu cho món ăn.
Sử dụng: Trà đậu biếc có tác dụng thanh nhiệt, tốt cho sức khỏe và làn da. Ngoài ra, hoa đậu biếc còn được sử dụng để nấu chè, làm bánh, hoặc làm thuốc chữa bệnh theo y học cổ truyền.
6. Phòng trừ sâu bệnh
Đậu biếc ít khi bị sâu bệnh nhưng đôi khi vẫn bị tấn công bởi rệp, sâu ăn lá. Bạn có thể dùng nước tỏi, ớt pha loãng để phun lên cây hoặc dùng thuốc trừ sâu sinh học để xử lý.
Thường xuyên kiểm tra cây để phát hiện và xử lý sâu bệnh kịp thời, giúp cây luôn khỏe mạnh và phát triển tốt.
Chúc bạn trồng và chăm sóc cây đậu biếc thành công, tận hưởng vẻ đẹp xanh tươi cùng những lợi ích tuyệt vời từ loại cây này!
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet