Với nhiều quốc gia trên thế giới, việc lưu giữ ngành nghề may mặc thủ công truyền thống rất được coi trọng. Ở Hàn Quốc người tết sợi, thêu tay, khâu tay để làm đẹp cho chiếc hanbok được coi là nghệ nhân. Ai muốn học gì các nghệ nhân sẽ dạy nhiệt tình, chỉ với một mục đích càng nhiều người biết càng tốt. Những nghệ nhân này đều được trân trọng và hưởng đãi ngộ lớn từ chính phủ.
Thật đáng tiếc, không phải quốc gia nào cũng có cái nhìn “coi trọng may mặc thủ công” như Hàn Quốc, dù chúng được nhiều nhà thiết kế lừng danh thế giới đánh giá cao. Thợ khâu túi của Hermès, thợ khâu giày của Salvatore, tất cả đều đã từng tới Việt Nam để học hỏi tay nghề điêu luyện của thợ thủ công Việt Nam.
Thương hiệu Hermès cũng đã nhờ tới nghệ nhân hàng đầu Việt Nam xử lý chất liệu sừng của chính Việt Nam để thực hiện một bộ sưu tập phụ kiện đắt giá. Vậy phải chăng, trong một thế giới thời trang phẳng, chúng ta cũng cần có cái nhìn trân trọng và ghi nhận những giá trị thủ công bản địa?
Nhà thiết kế Xuân Lê (giữa) cùng chồng (bìa trái), nhiếp ảnh gia Nguyễn Vũ, ca sĩ Quỳnh Nga và siêu mẫu Doãn Tuấn trong buổi khai mặc triển lãm The Party of Seamstresses (Bữa tiệc của những cô thợ may).
Xuất phát từ “cái nhìn” đó, nhà thiết kế Xuân Lê thực hiện một triển lãm nghệ thuật sắp đặt với chủ đề The Party of Seamstresses (Bữa tiệc của những cô thợ may) diễn ra vào tối qua (19/6) tại Hà Nội. Với triển lãm này NTK Xuân Lê muốn người yêu thời trang thấy được tầm quan trọng và nét đẹp đang dần mai một của ngành nghề thủ công truyền thống Việt Nam.
Nhà thiết kế chia sẻ, chị yêu mến chất lụa liệu truyền thống từ nhiều năm nay. Chị thật sự thấy đau lòng khi vài năm trở lại đây đến thăm làng nghề Vạn Phúc thấy quá thưa bóng khách mua hàng, mẫu mã không bắt mắt. Hơn thế nhiều người thợ đã bỏ nghề truyền thống vì cơm áo gạo tiền trong khi những thiết kế của Xuân Lê dựa trên chất liệu này luôn được khách nước ngoài đánh giá cao.
NTK Xuân Lê khẳng định: “Tôi nhất định phải đưa tơ lụa đến với đối tượng khách hàng cao cấp để phần nào giúp nghề dệt lụa thủ công không biến mất. Trong thời gian tới, tôi và những cộng sự sẽ cố gắng mở rộng thị trường để người tiêu dùng bình dân cũng được sử dụng chất liệu tuyệt đẹp này.”
Mẫu thiết kế cầu kì nhất tại triển lãm của nhà thiết kế Xuân Lê trên chất liệu lụa truyền thống, điểm nhấn là những kén tằm được khâu tay tinh xảo.
Đây chính là lý do tại sao khách đến thăm sẽ thấy ở triển lãm những chiếc đầm, những chiếc áo khoác được thực hiện từ chất liệu lụa tơ tằm - lấy cảm hứng từ hình dáng của những kén tằm.
6 chiếc đầm được trưng bày trong triển lãm cũng là những chiếc đầm mà Xuân Lê đã mang tới diễn show tại Anh theo lời mời của Đại sứ quán Anh.
Ngoài ra, khán giả còn được ngắm những bức tranh được làm từ vải, kim sa đính thủ công theo cách mà những người thợ may từng sản xuất những mẫu váy cao cấp. Qua tranh, Xuân Lê muốn cùng hoạ sỹ Phạm Bé đưa ra một thể nghiệm mới trong nghệ thuật, đó là việc làm mờ đường biên ranh giới giữa thời trang và hội hoạ.
Triển lãm độc đáo này dù hướng tới giá trị truyền thống nhưng vẫn cho thấy một tinh thần khoáng đạt cởi mở với cái mới đầy phá cách và trẻ trung của nghệ thuật Pop – Art.
Lụa là chất liệu nhà thiết kế Xuân Lê đặc biệt yêu thích, NTK Xuân Lê đã theo đuổi lụa suốt 3 năm nay.
Những mẫu thiết kế được trưng bày trong triển lãm cũng là sản phẩm Xuân Lê đã mang tới Anh và được khách hàng nước ngoài đặc biệt yêu thích.
Mẫu váy chính của chị lấy màu vàng - màu đặc trưng của lụa Việt có phần đuôi váy kéo dài tựa những đường tơ.
Mẫu váy được thiết kế thủ công và trưng bày theo ý đồ của nghệ thuật sắp đặt với phần rơm và kén tằm kéo dài thành một con đường.
Cùng lúc, triển lãm trưng bày những tác phẩm hội họa mang phong cách đương đại kết hợp giữa nét vẽ và họa tiết khâu tay.
Vải được chọn làm toan vẽ, và cũng chính vải được lựa chọn làm chất liệu để tạo nên những mảng màu vô cùng hiện đại.
Triển lãm đã tìm ra được một giao điểm của ba đường thẳng tách rời: ngành nghề chế tác thủ công truyền thống, nghệ thuật Đương đại và Thời trang.
Nhà thiết kế Xuân Lê khéo léo sắp đặt để không gian triển lãm thêm sinh động, gần gũi.
Triển lãm cũng tái hiện lại phần nào việc dệt nên những tấm tơ lụa với các công đoạn như xe tơ, dệt sợi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet