Được ví như "Hawaii xứ kim chi", đảo jeju là điểm đến lý tưởng cho những tuần trăng mật ngọt ngào, là chốn nghỉ dưỡng ưa thích của nhiều du khách nước ngoài. Nhưng ẩn mình sau một Jeju yên bình, ít ai biết tới câu chuyện đầy sóng gió của những "nàng tiên cá" không bước ra từ cổ tích. Họ gọi mình là "hải nữ"- những "haenyeo".
Không giống như mọi ngư dân vẫn đi thuyền hay câu cá , "hải nữ" Jeju lặn ngụp tìm trai sò, rong biển, bào ngư… trong điều kiện khắc nghiệt và không hề có sự trợ giúp của các thiết bị thở. Tất cả những gì họ cần là bộ đồ lặn màu đen, kính bơi, phao định hướng, lưới cá, cuốc đào. Sau 2-3 phút lặn ngụp ở độ sâu tới 20 m, họ đánh dấu sự trở lại của mình bằng tiếng huýt sáo đặc trưng (gọi là sumbisori). Tiếng huýt sáo từ lâu đã trở thành linh hồn của đất và nước ở Jeju.
Những "nàng tiên cá" lặn ngụp dưới lòng biển Jeju. Ảnh: davidhottshots. |
Từ thế kỷ 19 trở về trước, đàn ông trên đảo đảm nhiệm công việc lặn bắt này. Về sau, khi bị đánh thuế nặng, số tiền họ kiếm được trở nên ít ỏi hơn. Việc phụ nữ theo nghề được miễn thuế là một kẽ hở. Do vậy, lặn biển trở thành một nghề mưu sinh của nữ giới trên đảo. Kể từ đó, chính phụ nữ là những người sục sạo dưới đáy biển sâu, và cũng chính phụ nữ trở thành lao động chủ yếu trong nhiều gia đình. Những ông bố lại nhận trách nhiệm chợ búa và chăm sóc con cái.
Thu nhập mỗi ngày của họ có thể lên tới 150 USD, thậm chí hơn 200 USD. Nhưng bất cứ điều gì cũng có cái giá của nó, bởi những "nàng tiên cá" phải âm thầm đánh đổi khoảnh khắc yêu thương gia đình bằng giây phút lênh đênh sóng gió, luôn đối mặt với tử thần.
Một ngày làm việc mới của các "hải nữ". Ảnh: thestar. |
Cách đây một thế kỷ có khoảng trên 30.000 "hải nữ" trên đảo. Số lượng này chỉ còn ở mức 5.600 vào năm 2002. Nhiều người trong số họ đã hơn 60 tuổi.
Khách du lịch đến Jeju, yêu Jeju từ hình ảnh tần tảo của những nữ thợ lặn này. Dù thời tiết xấu, nhiều du khách vẫn tụ tập dưới chân đỉnh Seongsan Ilchulbong mong chờ được xem các haenyeo "ra khơi". Du khách còn có cơ hội tìm hiểu sâu hơn về cuộc sống và công việc của các haenyeo tại bảo tàng Haenyeo ở Hado-ri, một làng chài ven biển Jeju.
Ngày nay, những "hải nữ" tuyệt vời này còn đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái biển đảo Jeju. Và nếu có dịp đặt chân tới đảo, bạn hãy nhớ mang về những móc khóa xinh xắn, tượng đá, hay Harubang thô nhám, và thú vị hơn là những món đồ kỷ niệm với chủ đề những "nàng tiên cá" đặc biệt.
* Ảnh: Những 'nàng tiên cá' của đảo Jeju
Lan Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet