Xưa các cụ hay có loại hoa gói, dùng lá dong riềng, lá bàng gói một bông huệ thơm trắng muốt, bông ngọc lan ngát hương, nhánh hoàng lan thơm mềm như búp tay Phật, kèm thêm nhánh hoa sói, cúc, hay đóa thược dược… để người dân bày vào chiếc đĩa xinh xắn dâng cúng trên bàn thờ.
Ngày rằm, mồng một, giỗ chạp lễ Tết… bàn thờ thơm nức hương trầm và hương hoa, tạo nên không gian linh thiêng rất riêng biệt.
Theo nhiều nhà tâm linh, ngày nay bên cạnh nén hương, chén nước, mâm cơm… bàn thờ của các gia đình Việt Nam luôn có bình hoa đẹp thay cho các đĩa hoa xưa. Trong đạo Phật, hoa dâng cúng đẹp tượng trưng cho sự thanh khiết, thơm tho, có ý nghĩa dâng điều thiện lành, tốt đẹp, bày tỏ lòng thành kính, biết ơn cúng chư phật và gia tiên, dù giá trị vật chất không nhiều.
Có hàng trăm loài hoa cắm bình dâng cúng vừa đẹp, vừa thơm. Nhưng không phải hoa nào cũng có thể cúng lễ, mà cần chọn hoa cúng phù hợp để việc cúng lễ thêm phần trang nghiêm, thành kính. Ví dụ như những loại hoa như:
Hoa phong lan
Phong lan là loại hoa đẹp, bền, được nhiều người mua cắm bàn thờ dịp Tết, nhưng dâng Phật không nên dùng phong lan, vì có hoa có nhiều màu rực rỡ. Mặt khác, chữ "phong" gần nghĩa với chữ phong tình, phóng túng nên cũng không có nhiều người dùng để cắm lên bàn thờ.
Hoa ly
Hoa ly khá rực rỡ, thơm ngát không nên dâng lễ Phật, bàn thờ gia tiên nhưng có thể dâng được ở nơi thờ thánh (nhất là nơi thờ thánh Mẫu). Người ta kiêng dùng hoa ly (vì sợ ly tán, chia ly) ở bàn thờ gia tiên.
Hoa đại (sứ, chămpa)
Loài hoa này vừa có hương, vừa có sắc. Tuy nhiên, theo quan niệm của người xưa thì đây cũng là loài hoa không nên để trên bàn thờ vì hình dáng hoa giống với bộ phận nhạy cảm ở nữ giới.
Hoa nhài
Hoa nhài là biểu tượng trong sạch, tinh khiết nhưng trong dân gian đây là loại hoa không đứng đắn, thường được dùng để ví von với những câu dung tục nên hạn chế để lên bàn thờ.
Cúc vạn thọ
Là loại hoa tên hay, màu vàng, ở miền Trung hay dùng vì dễ trồng dễ sống, có màu vàng tươi tắn, sự may mắn và thịnh vượng. Tuy nhiên theo các nhà phong thủy thì không nên để cúc vạn thọ lên ban thờ để tránh gặp những điều không may mắn, mặt khác hoa cúc vạn thọ có mùi rất hôi nên không được nhiều gia đình sử dụng để thờ cúng tổ tiên.
Đâu là loài hoa thích hợp cúng trên bàn thờ?
Hoa trên ban thờ có hoa cắm bình và hoa để trên đĩa. Đối với bàn thờ ngày Rằm, người ta thường duy trì cả hai loại này.
Để đặt lên bàn thờ ngày Rằm, người ta thường dùng hoa bền màu, có mùi hương thơm, không gây khó chịu cho mọi người như hoa cúc, hoa hồng, hoa huệ, hoa sen, mẫu đơn (thích hợp cúng trên bàn thờ Phật)...
Cũng cần lưu ý thêm, hoa cúng lễ Phật nên chọn hoa có màu vàng hoặc đỏ là những màu tượng trưng cho nhà Phật như cúc vàng, hồng đỏ.
Hoa huệ có nhiều loại, nhiều màu, nhưng để cúng thì nên mua huệ ta, trưng được lâu và chỉ nên cúng một màu để tạo sự trang nghiêm cho bàn thờ gia tiên.
Lưu ý khi cúng hoa trên bàn thờ
- Tính đến sự cân đối khi đặt hoa trên bàn thờ: Bàn thờ là nơi tôn nghiêm, trang trọng nên khi cắm hoa cũng cần tính đến sự cân đối. Không nên đặt một lọ hoa quá to trên bàn thờ nhỏ, khiến các đồ thờ cúng khác đặt trên đó bị che khuất.
- Không nên kết hợp quá nhiều loại hoa cùng lúc: Bày hoa trên bàn thờ gia tiên ngày Rằm nếu kết hợp quá nhiều loại hoa cùng lúc sẽ làm giảm mất sự thanh tao, khiến bàn thờ mất thẩm mỹ.
- Chọn hoa cúng nên chọn kĩ từng bông, không nên chọn những hoa đã nở to mà chọn những bông mới chớm nở.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet