Lễ hội Soorya Arts, Ấn Độ
Đến Ấn Độ vào tháng 11, bạn sẽ được tham gia vào lễ hội Soorya Arts. Đây được coi là lễ hội dài nhất thế giới vì kéo dài 111 ngày, từ ngày 21/9 đến ngày 10/1 năm sau.
Trong suốt mùa lễ hội lớn này, có rất nhiều hoạt động chính diễn ra như chiếu phim, video, các buổi biểu diễn âm nhạc, nhảy múa, vẽ tranh, nghệ thuật dân gian.
Lễ hội That Luang, Lào
Cũng diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 11 âm lịch, lễ hội That Luang được tổ chức hàng năm ở chùa That Luang. Theo tiếng Lào, That Luang có nghĩa là “ngọn tháp linh thiêng". Lễ hội này từ lâu đã được coi là ngày hội của sự đoàn tụ, đoàn kết dân tộc, là sự kiện hàng năm và có ý nghĩa quan trọng cả về văn hóa, lịch sử và tâm linh nên vào dịp lễ hội, hàng nghìn tăng ni phật tử ở khắp đất nước đều hội tụ về mái chùa cổ ở thủ đô Viêng Chăn.
Lễ hội That Luang. Ảnh: dulichvietnam |
Trong suốt 3 ngày lễ hội, tất cả tổ chức, trường học đều đóng cửa. Mọi người nô nức mua hoa để trang trí, tham gia vào đoàn người thắp nến và diễu hàng nhảy múa trong tiếng nhạc cổ truyền. Tại lễ hội người dân còn thưởng thức những món ăn truyền thống của xứ sở triệu voi.
Lễ hội Nước, Campuchia
Được coi là lễ hội lớn nhất trong lịch Khmer, lễ hội Nước diễn ra vào ngày trăng tròn tháng 11 âm lịch với rất nhiều hoạt động. Thời gian này, nước trong các hồ và đầm lầy tràn ngập, tạo ra các cánh đồng nước mênh mông.
Người dân xứ sở chùa tháp thường tụ tập ở hai bên bờ sông Tonle Sap và Mekong ở thủ đô Phnom Penh để xem đua thuyền. Hàng nghìn tay chèo sẽ tham gia đua trên đoạn sông dài hơn 1km.
Vào buổi tối, người dân sẽ được ngắm nhìn màn bắn pháo hoa rực rỡ trên sông hay những chiếc bè gỗ được trang trí rực rỡ được thả nổi dọc con sông. Lễ hội đánh dấu sự thay đổi dòng chảy của con sông Tonle Sap và cũng được coi là lễ tạ ơn con sông Mekong vì đã đem lại sự phì nhiêu cho đất đai và cung cấp thực phẩm cho người dân.
Lễ hội Loi Krathong, Thái Lan
Lễ hội này diễn ra ở bất cứ đâu trên đất nước Thái vào ngày rằm của tháng thứ 12 trong lịch âm truyền thống của Thái (thường vào tháng 11 theo lịch dương).
Vào đêm rằm, hàng nghìn người dân tụ tập bên các dòng sông, kênh... cầu nguyện, sau đó thả những chiếc bè được trang trí sắc màu trôi theo dòng nước, lung linh ánh nến được thắp sáng trên sông. Người Thái tin rằng thả bè trên sông thể hiện lòng kính trọng đối với Thủy Thần và để tạ lỗi với Thủy Thần vì đã làm ô nhiễm nguồn nước trong suốt cả năm. Đó là lý do lễ hội này được tổ chức vào cuối năm.
Lễ hội Loi Krathong, Thái Lan. Ảnh: libero |
Tại Bangkok, lễ hội này thường diễn ra rất sôi nổi. Hàng đoàn người diễu hành đánh trống, hay các buổi trình diễn văn nghệ, âm nhạc truyền thống của Thái trên khắp các đường phố. Người ta cũng tổ chức bắn pháo hoa, các trò chơi dân gian...
Tại thành phố Chiang Mai, vào lễ hội, người ta thả hàng nghìn chiếc lồng đèn Khổng Minh lên trời. Họ tin rằng chiếc đèn càng bay xa, thì những muộn phiền, lo âu sẽ được đem đi.
Ngoài ra, du khách đến Thái Lan vào tháng 11 thường rất thích khi được tham gia vào lễ hội Voi Surin. Lễ hội diễn ra vào thứ bảy của tuần thứ 3, tháng 11 hàng năm. Vào ngày này, sẽ có hàng trăm con voi tham dự lễ, thể hiện những màn biểu diễn điêu luyện qua những điệu nhảy, đua, chơi bóng hay kéo co với con người.
Lễ hội Karatsu Kunchi, Nhật Bản
Tháng 11 là tháng của lễ hội Karatsu Kunchi được tổ chức ở thành phố Karatsu. Đây là lễ hội truyền thống được tổ chức hơn 300 năm nay. Hàng đoàn chiếc thuyền lớn với nhiều hình thù khác nhau như cá tráp, rồng, và một số các loại sinh vật khác diễu hành khắp các phố.
Màn trình diễn những chiếc thuyền lớn tại Nhật Bản. Ảnh: ototravel |
Tại lễ hội, những tác phẩm nghệ thuật thủ công khổng lồ được làm tinh xảo và tỉ mỉ với những hình dáng như cá heo, cá vàng cũng được trình diễn.
A. Phương tổng hợp
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet