1. "Hãy mua laptop vi xử lý bốn nhân, nó tốt hơn laptop hai nhân"
Lời tư vấn này cho thấy người bán hàng đã hiểu nhầm, hoặc họ không có kiến thức gì về máy tính cả. Họ chỉ lặp đi lặp lại những gì đã nói như một bài tập thuộc lòng. Đôi khi họ cố ý hướng dẫn sai để hưởng tiền hoa hồng từ chủ cửa hàng.
Vấn đề là, phần lớn các chương trình ứng dụng không tìm cách tận dụng hết sức mạnh của cả bốn nhân trong cpu quad core. Chỉ có một vài ứng dụng mới cần đến sức mạnh này, chẳng hạn như ứng dụng mã hóa video, dựng hình 3D, mô phỏng khoa học... Thực tế thì với laptop hai nhân bạn cũng đã chạy tốt hầu hết các ứng dụng ở cấp độ người dùng. Có một vài tác vụ chạy trên một nhân hiệu quả hơn là chạy trên cả bốn nhân.
Trong phần lớn các trường hợp, một con chip hai nhân có xung nhịp 2 GHz có thể làm tốt hơn một con chip bốn nhân có xung nhịp 1,8 GHz, bởi vì một chương trình ứng dụng có thể chỉ được viết ra để tận dụng sức mạnh của hai nhân, và nếu tính riêng tốc độ từng nhân thì chip hai nhân mạnh hơn hẳn.
Bạn cũng có thể gặp một câu tư vấn đại loại như: "Đây là máy tính bốn nhân 2 GHz, vì thế sức mạnh mà bạn nhận được sẽ là 8 Ghz". Thật sự rất sai lầm. Trong tất cả các trường hợp bạn sẽ không bao giờ nhận được sức mạnh 8 GHz.
Mặc dù người ta đã viết ra một số ứng dụng "hack" để phân chia khối lượng công việc một cách tự động tới các nhân trong hệ điều hành, nhưng trong phần lớn các trường hợp, các nhân này cũng không phối hợp được đồng bộ để tận dụng sức mạnh vốn có. Có nhân sẽ hoàn thành công việc trước những nhân kia. Một số ứng dụng như Handbreak hoặc 3DSMax có thể buộc cả bốn nhân chạy với hiệu suất 100%. Nhưng hai ứng dụng này chỉ có ích khi bạn cần tới một sức mạnh tối đa để chạy một chương trình nặng hoặc một ứng dụng tính toán phức tạp. Còn không, bạn chỉ cần sử dụng CPU hai nhân. Rất nhiều chương trình ứng dụng hiện nay chỉ sử dụng một nhân, với tốc độ xung nhịp 2 GHz.
2. "Bạn nên mua máy có xung nhịp Ghz lớn hơn"
Ngày xưa đã có thời điểm người ta sử dụng quy tắc ngón tay cái để mua laptop. Quy tắc này hướng dẫn rằng bạn hãy mua laptop có bộ vi xử lý nhanh nhất có thể với khoản tiền tối đa bạn có trong ví. Có nghĩa là người dùng hãy mua laptop có con số đứng trước GHz lớn nhất mà họ thấy.
Ngày nay, quy tắc này đã bị lu mờ bởi một vài yếu tố sau:
- Thứ nhất là kiến trúc của CPU. CPU được thiết kế với công nghệ mới sẽ có ảnh hưởng lớn hơn tốc độ đồng hồ. Có nghĩa là một bộ vi xử lý 1.9 GHz hiện đại sẽ hoạt động tốt hơn một bộ vi xử lý 1.9 GHz đời cũ. Nếu bạn cần bằng chứng thì đây là bảng so sánh hiệu năng hoạt động của một con chip giá rẻ Core i3 xung nhịp 3,3 GHz với một con chip Pentium 4 xung nhịp 3,6 GHz.
- Yếu tố thứ hai là Turbo Boost. Đây là công nghệ nâng hiệu suất máy tính lên thêm 20% bằng cách tự động điều chỉnh xung nhịp của từng nhân cho phù hợp với nhu cầu xử lý. Vì thế, rất nhiều CPU hiện nay có thể tự động tăng tốc tùy theo nhu cầu xử lý.
- Yếu tố thứ ba cũng là yếu tố quan trọng nhất: người sử dụng ngày nay không cần một bộ vi xử lý siêu nhanh. Thực tế là một vi xử lý 2 nhân, vi xử lý tầm trung Core i5 cũng có thể làm việc hoàn hảo trừ phi người dùng cần thực hiện các "ca khó" như mã hóa phim, dựng hình 3D một cách thường xuyên. Ngay cả các game nặng cũng phụ thuộc vào card đồ họa hơn là CPU.
3. "Laptop này được trang bị hệ thống Dolby/THX/Beats, vì thế chất lượng âm thanh tốt hơn các loại khác"
Tất nhiên cũng có những ngoại lệ, nhưng trong phần lớn các trường hợp thì lời tư vấn nói trên là sai. Bạn sẽ không thực sự có được một sản phẩm vật lý tốt, mà chẳng qua là một phần mềm có nhiệm vụ biến chiếc loa rẻ tiền trong laptop của bạn thành một sản phẩm có chất lượng âm thanh tốt hơn. Để có được một âm thanh trung thực, bạn sẽ phải sử dụng tai nghe (headphone).
Dưới đây là một vài hướng dẫn giúp bạn lựa chọn được giải pháp âm thanh tốt nhất
- Xem các đánh giá trên mạng trước khi mua.
- Nếu cửa hàng có trưng bày mẫu laptop bạn định mua, hãy chạy thử một vài bản nhạc để kiểm tra loa.
- Laptop càng to thì loa sẽ càng tốt. Có một số laptop trang bị cả loa siêu trầm (subwoofer), nhưng đó là các laptop có màn hình 17 inch trở lên.
- Khi laptop có một thương hiệu loa nổi tiếng đi kèm, chắc chắn hệ thống âm thanh của nó sẽ tốt hơn. Ví dụ, sự hợp tác của Dell với JBL đã tạo ra những mẫu laptop có âm thanh khá hay. Laptop của Asus được trang bị loa Olufsen cũng rất tốt.
4. "Card đồ họa mạnh mẽ sẽ giúp lướt web nhanh hơn"
Nếu bạn nghe thấy lời tư vấn này từ người bán hàng, đừng bao giờ tin, vì đó là một lời dối trá. Trừ phi các nhà phát triển web muốn mở rộng chức năng Canvas của HTML5 hoặc WebGL để chơi các game 3D trên nền tảng web, còn không thì hầu hết các website hiện nay đều không cần đến sức mạnh của card đồ họa. Kể cả khi bạn sử dụng trình duyệt Internet Explorer 9 với tính năng dựng font tăng tốc phần cứng, thì bạn cũng không cần đến card đồ họa rời của Nvidia hay AMD. Một card đồ họa tích hợp vào bo mạch chủ như Intel HD Graphics 4000 cũng làm việc rất tốt rồi.
Vậy tốc độ tải trang web phụ thuộc vào yếu tố nào? Nó phụ thuộc vào tốc độ mạng Internet mà bạn đang sử dụng, ổ lưu trữ và CPU. Nó còn phụ thuộc vào máy chủ chứa website. Card đồ họa hiếm khi "can dự" vào quá trình tải trang web xuống máy.
Bạn có thể nghe thấy ở đâu đó nói rằng card đồ họa rời sẽ giúp xem phim trên máy tính mượt hơn. Trước đây thì đúng, nhưng bây giờ thì không chính xác. Chỉ có những người hay dùng đến các chương trình xử lý đồ họa, chương trình mã hóa video, hoặc chơi game... là cần đến card đồ họa mạnh. Còn nếu bạn không phải là game thủ hoặc không làm các công việc liên quan đến xử lý đồ họa, thì bạn chỉ cần dùng card Intel tích hợp trên bo mạch là đủ.
5. "Laptop này có card đồ họa 2GB, chạy nhanh hơn card 1GB"
Trong trường hợp này, người bán hàng muốn nhắc đến bộ nhớ video, hay còn gọi là bộ nhớ RAM trong card đồ họa (V-RAM). Bộ nhớ càng lớn thì càng chơi được những game nặng hoặc xử lý hình ảnh 3D dễ dàng, nhưng bộ nhớ card đồ họa không phải là yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến tốc độ xử lý chung của laptop.
Yếu tố quan trọng hơn chính là đời (phiên bản) của card đồ họa. Card đời mới sẽ tốt hơn card đời cũ. Tuy nhiên, đôi lúc card mới chẳng qua là chiêu đổi tên card cũ của nhà sản xuất. Chẳng hạn như card GeForce GT 630M và card GeForce GT 540M. Có thể bạn nghĩ rằng 630M sẽ tốt hơn 540M? Thực ra card 630M chỉ là sự "thay tên đổi họ" của mẫu 540M. Dường như nhà sản xuất muốn "tung hỏa mù" đối với người sử dụng để phục vụ cho mục đích kinh doanh.
Để không bị bối rối khi lựa chọn, bạn có thể truy cập vào website Notebook Check để xem thông tin về các loại card đồ họa. Tìm tên laptop mà bạn định mua, rồi xem card đồ họa của laptop đó được so sánh với các loại khác trên thị trường như thế nào.
Chúc bạn thành công và tránh được những mánh lới tiếp thị không cần thiết.
Theo CNET
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet