Nhiệt độ giảm đột ngột như hiện nay rất dễ gây ra tình trạng "sốc nhiệt" đấy! Nguy cơ “sốc nhiệt” khi nhiệt độ giảm tới 10 độ C
Sau khi đợt nắng nóng kéo dài kết thúc, nhiệt độ miền Bắc đột ngột giảm hơn 10 độ C. Sự thay đổi nhanh chóng này rất dễ khiến cơ thể bị ảnh hưởng do chúng ta chưa thể thích nghi kịp. Bởi vậy, nguy cơ bị “sốc nhiệt” là rất cao.
sốc nhiệt là trạng thái thay đổi nhiệt độ của cơ thể một cách đột ngột, từ lạnh sang nóng hay từ nóng sang lạnh… Đây là trạng thái cực nguy hiểm và có thể dẫn tới tử vong ngay lập tức.
Cũng theo các chuyên gia thuộc Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhiệt độ giảm đột ngột sẽ làm cho chúng ta phải tiêu tốn nhiều năng lượng hơn, khiến sức đề kháng suy giảm. Với những người nhạy cảm, sức đề kháng yếu, nguy cơ mắc bệnh là rất cao. Các bệnh thường mắc khi thời tiết trở lạnh đột ngột thường là dị ứng thời tiết, liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên gây méo miệng, liệt mặt, đột quỵ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới tính mạng và sức khỏe… Bởi vậy, việc đề phòng nguy cơ “sốc nhiệt” khi thời tiết trở lạnh là điều vô cùng cần thiết.
Triệu chứng và cách xử lý khi bị “sốc nhiệt”
Người bị “sốc nhiệt” thường có một số biểu hiện khá rõ rệt như thở nhanh và nông (hơi thở không sâu), tim đập nhanh, đau đầu, chóng mặt, choáng váng, buồn nôn… Bên cạnh đó, bệnh nhân còn có một số triệu chứng khác như huyết áp tăng cao hoặc hạ thấp, ngưng đổ mồ hôi, ngất xỉu…
Khi nạn nhân bị “sốc nhiệt”, chúng ta cần đưa ngay tới nơi có nhiệt độ ổn định. Với thời tiết hiện nay, “sốc nhiệt” xảy ra là do gặp nhiệt độ lạnh đột ngột. Vì thế, người sơ cứu cần nhanh chóng làm ấm cơ thể cho nạn nhân và gọi cấp cứu kịp thời.
Biện pháp phòng chống bệnh tật khi thời tiết thay đổi
- Giữ ấm cơ thể: Mặc đủ ấm là điều rất cần thiết. Các bạn hãy chú ý giữ ấm cho cơ thể, nhất là những bộ phận dễ bị lạnh như cổ, tai, mũi, tay, chân, lưng… Đặc biệt, nếu đi xe máy, bạn hãy mặc ấm hơn so với thông thường nhé!
- Tránh tiếp xúc đột ngột với không khí lạnh: Khi đi từ trong nhà ra bên ngoài, chúng mình hãy mở cửa một cách từ từ để cơ thể thích nghi dần dần. Các bạn tuyệt đối không nên lao ngay ra ngoài bởi điều này cũng rất dễ gây ra “sốc nhiệt”.
- Bổ sung năng lượng qua ăn uống: Chế độ dinh dưỡng sẽ giúp bạn chống lại bệnh tật tốt hơn. Theo các chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, trong mùa lạnh, chúng ta nên tăng cường ăn rau xanh, trái cây để nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, bạn nên sử dụng thêm các gia vị như hành, tỏi, gừng, quế… bởi chúng giúp giữ ấm rất tốt. Chúng mình cũng nên hạn chế, tránh ăn các món ăn lạnh, đồ ăn vừa lấy từ tủ lạnh.
- Chú ý khi vệ sinh cá nhân: Dù nhiệt độ hạ thấp, chúng ta vẫn nên giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ. Tuy nhiên, các bạn nên sử dụng nước ấm khi tắm, gội. Đặc biệt, chúng mình tuyệt đối không nên tắm khuya hoặc tắm quá lâu bởi như vậy sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, là nguyên nhân gây ra “sốc nhiệt”.
- Tập luyện thể thao thường xuyên: Cách này vừa giúp làm ấm cơ thể, vừa mang lại một
sức khỏe tốt hơn, giúp chúng ta phòng chống lại bệnh tật nói chung và “sốc nhiệt” nói riêng.