Theo PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai, tổn thương gan do hoá chất xuất phát từ những nguyên nhân rất đỗi quen thuộc xung quanh con người.
"Môi trường xung quanh chúng ta có rất nhiều hoá chất độc hại. Điển hình như việc dùng phân hoá chất bón cho rau và cây trồng khiến những chất hoá học độc hại vẫn còn dư âm trong thực phẩm.
Bên cạnh đó, nhiều gia đình hoặc cơ sở buôn bán vì muốn bảo quản thịt được lâu, cũng sử dụng chất bảo quản gây tổn thương cho cơ thể. Thêm nữa, những chất nhuộm phẩm màu nếu không tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế cũng là nguyên nhân khiến cơ thể bị tổn thương do hoá chất", BS Ngọc phân tích.
PGS.TS.BS Trịnh Thị Ngọc, Nguyên trưởng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Bạch Mai
(Nguồn: internet)
Theo vị chuyên gia, các hoá chất ảnh hưởng đến lá gan có hai dạng là: cấp tính và mãn tính. Ví dụ điển hình nhất cho ảnh hưởng cấp tính chính là ngộ độc thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ. Khi đó, người bệnh sẽ rất mệt mỏi, tổn thương gan, men gan tăng cao hoặc tổn thương một số phủ tạng khác. Với dạng ngộ độc này bệnh nhân cần nhanh chóng vào viện truyền dịch, thậm chí lọc máu mới có thể sống sót.
Gan được ví như nhà máy hoá chất của cơ thể, do đó khi gan bi tổn thương, bệnh nhân có thể mệt mỏi, chán ăn, mắt vàng. Đồng thời những chức năng thải độc, chống nhiễm trùng, nhiễm khuẩn của gan sẽ bị giảm sút nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ rất dễ mắc những bệnh suy giảm miễn dịch hoặc nhiễm trùng.
BS Ngọc cũng nhấn mạnh rằng, tất cả các đối tượng kể cả người lớn và trẻ em đều có nguy cơ bị tổn thương gan do hoá chất. Ví dụ dễ thấy nhất chính là việc cha mẹ thường cho trẻ uống hay bôi một số loại thuốc mang tính chất truyền miệng mà không hề có sự chỉ định của bác sĩ, điều này vô tình gây nên những tổn thương hoá chất cho gan. Trong khi đó, với những đối tượng lứa tuổi lớn hơn, việc uống rượu bia không có kiểm soát, ăn uống không điều độ, hút thuốc lá, ăn ít chất xơ...dẫn đến việc suy gan hay gan nhiễm mỡ cũng rất nguy hiểm.
Ảnh minh hoạ (Nguồn: Intrenet)
Lưu ý điều trị và phòng bệnh tổn thương gan do hoá chất
Theo BS Ngọc, để điều trị cần ngăn chặn nguồn hoá chất làm tổn thương gan. "Bên cạnh đó nên uống nhiều nước hoa quả, hoặc uống đủ nước lọc, đó là một trong những biện pháp tăng cường thải độc cho gan. Ngoài ra cũng có thể sử dụng atiso hoặc một số thực phẩm làm hạ men gan ,tăng bài tiết của mật".
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, hiện nay có nhiều người lựa chọn những bài thuốc đông y, thảo dược để điều trị bệnh về gan. Tuy nhiên, BS Ngọc cũng khuyến cáo, nên biết lựa chọn những bài thuốc nào không đụng đến gan, và cách tốt nhất đem lại hiệu qủa khi điều trị chính là Đông - Tây y kết hợp.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet