Câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích đó vừa diễn ra tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai. Tưởng rằng không thể cứu sống nhưng nhờ có kỹ thuật ECMO, với sự nỗ lực và phối hợp chặt chẽ của các thầy thuốc hơn 20 chuyên khoa trong toàn Bệnh viện, bệnh nhân Mai Thị Liễu, 34 tuổi ở Tuyên Quang đã được hồi sinh kỳ diệu.
Chị Mai Thị Liễu, 34 tuổi ở Tuyên Quang được chẩn đoán loét dạ dày có chỉ định dùng hỗn hợp thuốc (chống vi khuẩn HP, ức chế bơm proton (PPI) và clarithromycine), trước đó chị đã uống 1 liều sau đó thấy ngứa, khó chịu, dừng thuốc 1 ngày thì hết ngứa. Đến sáng ngày 13/05/2018, chị lại tiếp tục uống và có biểu hiện của dị ứng như đỏ da, phù mặt, bồn chồn, khó chịu… Bệnh nhân đã đến bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) khám với chẩn đoán phản vệ, được xử trí với các thuốc chống dị ứng như dimedrol, adrenalin nhưng tình trạng không những chẳng cải thiện mà còn nặng lên: bệnh nhân mệt, chóng mặt và hôn mê, co giật, suy hô hấp nặng và ngừng tuần hoàn.
Sau ca phẫu thuật, bệnh nhân Mai Thị Liễu đã khỏe và vui vẻ bên người thân.(Ảnh BVCC)
Sau 20 phút được cấp cứu ngừng tuần hoàn (ép tim ngoài lồng ngực), bệnh nhân có tim đập trở lại. Bệnh nhân tiếp tục được xử trí sốc phản vệ theo phác đồ mới của Bộ Y Tế (thông tư 51/BYT/2017), đặt nội khí quản, thở máy, duy trì adrenalin...Mặc dù vậy, bệnh nhân vẫn không cải thiện được tình hình: tiếp tục ngừng tuần hoàn lần 2. Sau khi ép tim ngoài lồng ngực 15 phút tim đập trở lại.
Nhận định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch với các diễn biến phức tạp, nguy cơ tử vong cao, BV Hùng Vương đã lập tức hội chẩn qua điện thoại với GS.TS Nguyễn Gia Bình, Bệnh viện Bạch Mai.Không chậm trễ, 1 đội cấp cứu và bác sĩ Phạm Thế Thạch được lệnh lên đường bằng mọi cách duy trì và hộ tống đưa bệnh nhân về bệnh viện Bạch Mai. Tại Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Bạch Mai, tất cả đã sẵn sàng: kíp bác sĩ thực hiện kỹ thuật tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) do BS Cường phụ trách, kíp phẫu thuật mạch máu do BS Đạt phụ trách và các chuyên khoa khác trong tư thế chờ đón bệnh nhân.
Bác sỹ khám lại cho bệnh nhân Liễu (Ảnh BVCC)
Chạy đua với thời gian, chỉ trong khoảng 15 phút sau khi về đến BV Bạch Mai, máy ECMO đã được kết nối với bệnh nhân: nhịp tim giảm từ 170 xuống 120 và 80 lần/ phút và … ngừng đập..., điện tâm đồ là đường thẳng, siêu âm thấy tim gần như không có hoạt động co bóp. Tình trạng này kéo dài liên tục 5 ngày trong sự lo lắng của thầy thuốc và gia đình bệnh nhân: bệnh nhân hôn mê, đồng tử hai bên giãn, chảy máu rất nhiều nơi. Nhưng các thầy thuốc khoa Hồi sức tích cực bệnh viện Bạch Mai đã không bỏ cuộc và vẫn tiếp tục chiến đấu với thần chết bởi 1 tia hy vọng: cấu véo bệnh nhân còn đáp ứng nhẹ.
Đến ngày thứ 20, bệnh nhân tỉnh táo, hết suy đa tạng (Ảnh BVCC)
Đến ngày thứ 6, một chút hy vọng lóe lên khi tim bắt đầu hoạt động trở lại trên máy theo dõi, nhịp tăng từ 50 lên đến 90 lần/phút, siêu âm thấy tim bắt đầu co bóp tốt hơn nhưng tình trạng suy đa tạng chưa cải thiện. Bệnh nhân tiếp tục được chạy ECMO, lọc máu liên tục, thở máy, truyền các chế phẩm máu, kháng sinh, duy trì thuốc chống đông… Đến ngày thứ 12, tim có dấu hiệu hồi phục tốt hơn, ý thức tốt hơn, bệnh nhân được ngừng máy ECMO. Đến ngày thứ 20, bệnh nhân tỉnh táo, hết suy đa tạng, rút nội khí quản, thở oxy liều thấp, tập phục hồi chức nặng. Ngày thứ 25, bệnh nhân đã tự đi lại được, không phải thở oxy.
Đánh giá về ca bệnh này, GS.TS Nguyễn Gia Bình - Nguyên trưởng khoa Hồi sức tích cực, bệnh viện Bạch Mai khẳng định: Đối với các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn, vai trò quan trọng nhất là chúng ta phải chẩn đoán sớm và cấp cứu kịp thời trong vòng khoảng 10-15 giây mới hi vọng cứu được não bệnh nhân bởi chỉ cần chậm vài chục giây thôi thì mặc dù chúng ta cứu được tim đập trở lại nhưng não tổn thương không thể hồi phục, bệnh nhân đi vào hôn mê. Trong trường hợp này, bệnh nhân ngừng tim tới 3 lần và mặc dù tim không hoạt động trong vòng 5 ngày nhưng nhờ kỹ thuật tim phổi nhân tạo (ECMO), máu được trộn oxy để nuôi dưỡng các cơ quan, giúp tim và phổi được nghỉ ngơi và có thời gian để hồi phục. Đây là trường hợp mà trong suốt 40 năm trong nghề tôi mới gặp lần đầu, trên thế giới cũng vậy, chưa có trường hợp nào ngừng tim tới 5 ngày được cứu sống và hồi phục hoàn toàn – không để lại bất kỳ một khiếm khuyết nào về vận động cũng như tinh thần như bệnh nhân Liễu. Thành công này đã mở ra cơ hội mới cho những trường hợp cấp cứu suy tim cấp nặng không đáp ứng với các kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn thông thường.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet