Tứ trấn Thăng Long - 4 ngôi đền thờ 4 vị thần trấn giữ tứ hướng để bảo vệ cho kinh thành Thăng Long - chính là những nơi linh thiêng mà người dân kinh kỳ thường tìm đến trong dịp đầu năm. Trấn phía đông là đền Bạch Mã nằm ở 76 Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm.
Đền Bạch Mã có hơn một nghìn năm lịch sử, là một trong những di tích kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của thủ đô. Đền đã được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa từ năm 1986 và được trùng tu, tôn tạo nhiều lần. lễ hội hàng năm tại đền diễn ra vào tháng hai âm lịch (13/2 âm lịch). Trước đây người ta còn tổ chức đánh trâu rước xuân vào đúng hội... Nằm ngay giữa phố Hàng Buồm, giữa những lô xô mái ngói rêu phong phố cổ, đền Bạch Mã trở thành một điểm nhấn bức tranh phố cổ Hà Nội. Ảnh: Asiaexploers .
Trấn giữ phía tây của thành Thăng Long là đền Voi Phục, hiện nay nằm ở bên hồ Thủ Lệ, phường Cầu Giấy, Hà Nội. Ảnh: Wikipedia .
Tương truyền, ngôi đền này xưa kia có tên là đền Linh Lang, thờ Linh Lang Đại Vương - con thứ 4 của vua Lý Thánh Tông. Khi có giặc xâm lược, Linh Lang lúc đó còn rất nhỏ bỗng nhiên vụt lớn nhanh như thổi, xin cha cho đi trừ giặc. Hoàng Lang đã thắng trận, và hóa rắn bò về phía Hồ Tây nên được nhân dân lập đền thờ. Cửa đền có đắp 2 vị voi quỳ, sau này nhân dân gọi là đền Voi Phục. Lễ hội đền Voi Phục tổ chức vào ngày mùng 9 đến 11/2 âm lịch hàng năm. Ảnh: VOV .
Đền Kim Liên - hay còn được gọi là đền Cao Sơn - trấn giữ ở phía nam của kinh thành Thăng Long. Được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia từ năm 1990, đây là một trong hệ thống những di tích quan trọng và nổi tiếng ở Hà Nội. Ảnh: VOV .
Hội đền và đình Kim Liên được tổ chức thường niên vào ngày 16/3 âm lịch, thu hút đông đảo du khách và người dân Hà thành. Trong dịp này, người ta tổ chức các sinh hoạt văn hóa độc đáo như chọi chim, thi nấu cơm trên thuyền, chơi bấp bênh dưới nước, thi tài dọn cỗ cúng thần với những mâm cỗ rất thú vị. Ảnh: Cinet .
Trấn giữ phía bắc là đền Quán Thánh hay còn gọi là đền Trấn Vũ. Ngôi đền có vị trí đẹp, nằm đúng ngã tư giao đường Thanh Niên với đường Quán Thánh, nhìn sang Hồ Tây. Năm 1962, đền đã được Bộ VHTT&DL xếp hạng danh mục di tích lịch sử - văn hóa. Dịp đầu xuân hay mồng 1, ngày rằm hàng tháng, đền luôn tấp nập khách thập phương. Nơi đây tổ chức chính hội vào ngày 3/3 âm lịch hàng năm. Ảnh: Việt Báo .
Ngoài bức tượng đồng thờ thần Huyền Trân Trấn Vũ là một công trình nghệ thuật độc đáo, nơi đây còn có quả chuông đồng trên gác tam quan với tiếng ngân đã đi vào lòng người dân Việt Nam: “Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương”. Ảnh: VOV .
Bên cạnh Tứ Trấn Thăng Long, những ngôi chùa cổ kính như chùa Trấn Quốc cũng nơi người dân kinh kỳ và các du khách tìm đến mỗi dịp xuân về. Chùa Trấn Quốc tọa lạc trên một bán đảo nhỏ phía đông bắc Hồ Tây, được xem là chốn cửa Phật linh thiêng thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử đến hành lễ.
Nhờ địa thế đẹp nên đến đây, người Hà Nội ngoài việc thành tâm lễ Phật thì còn được tận hưởng chút cảm giác ngao du với cảnh sắc của một di tích lịch sử - văn hóa quốc gia giữa phố phường hiện đại. Chùa có vườn tháp cổ u tịch, có nhiều tượng Phật giá trị, đặc biệt là tượng Thích Ca nhập Niết Bàn. Ảnh: Wikipedia .
Nhắc đến những ngôi chùa trứ danh ở Hà Nội không thể không nhắc đến chùa Quán Sứ nằm ở 73 phố Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Đây là ngôi danh lam cổ tự bậc nhất, ở vị trí trung tâm của thủ đô. Ảnh: Tinhtam.vn .
Chùa thường xuyên đón tiếp lãnh đạo Phật giáo trong nước và nước ngoài, tăng ni, Phật tử và du khách đến thăm viếng, lễ bái, tu học. Với nhiều người dân, chùa Quán Sứ là nơi không thể không ghé thăm thắp hương vào dịp đầu năm. Ảnh: Vnphoto .
Nếu với các ngôi chùa khác, người đến thắp hương đông nhất là các cụ cao niên và trung niên thì tại một ngôi chùa nằm ẩn mình trên phố nhỏ ở quận Cầu Giấy , đông nhất lại là các bạn trẻ , các nam thanh nữ tú. Đó chính là chùa Hà - ngôi chùa cầu duyên nức tiếng giữa lòng Hà Nội.
Rất nhiều cô gái, chàng trai đến chùa Hà thắp hương đều mang một niềm tin sâu sắc rằng, nhờ thành tâm chốn cửa Phật, họ sẽ tìm thấy một nửa của đời mình. Điều đó khiến chùa Hà trong tư tưởng của những người Hà Nội càng thêm huyền bí, linh thiêng.
Cầu an, giải hạn đầu năm cũng là một trong những nét truyền thống văn hóa lâu đời của người Hà Nội. Chùa Phúc Khánh nằm trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa thu hút hàng trăm nghìn tín đồ Phật giáo về cầu an, giải hạn mỗi năm. Chùa đã được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia năm 1988. Ảnh: Tinhtam.vn .
Hàng năm, vào ngày nhà chùa làm lễ dâng sao giải hạn, hàng chục nghìn người đổ đến, ngồi tràn ra cả lòng đường vỉa hè chỉ để tìm một chỗ đứng, để được chắp tay thành tâm khấn vái. Ngay khi tiếng chuông vang lên, không ai bảo ai, tất cả đều hướng ánh mắt vào tổ đình Phúc Khánh vái vọng, tạo nên quang cảnh mang đậm nét tâm linh.
- 03/03/15 14:24 Tung bộ ảnh "công chúa", vợ Đăng Khôi bị chê không khác gì "làm hề"
- 03/03/15 09:18 Dolce & Gabbana gây ấn tượng với show thời trang về tình mẫu tử
- 03/03/15 09:13 10 combo sắc màu tô điểm nét xuân ngọt ngào của các quý cô
- 27/02/15 05:44 Diện đầm dáng suông khởi đầu năm mới đầy duyên dáng
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet