Bạn vẫn thường được cảnh báo tác hại của việc ngủ nướng, nhưng ít ai ý thức được tác hại và dấu hiệu của việc thiếu ngủ.
Hầu như chúng ta ai cũng biết rằng, việc ngủ đủ 8 tiếng một ngày là một trong những yếu tố quan trọng nhất cấu thành nên cơ thể khỏe mạnh. Thế nhưng cuộc sống bận rộn khiến việc ngủ sớm, ngủ đủ giấc trở thành điều xa xỉ đối với nhiều người, kết quả là sức khỏe và hiệu quả công việc lại bị ảnh hưởng ngược lại một cách nghiêm trọng.
trí nhớ giảm sút
Một dấu hiệu đặc trưng cho thấy bạn đang thiếu ngủ đó chính là trí nhớ bị suy giảm nhanh chóng. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, thông thường một ngày cơ thể chúng ta cần khoảng 8 tiếng nghỉ ngơi để não bộ có thể khôi phục các chức năng và hoạt động bình thường. Nếu bạn không ngủ đủ giấc, các hoạt động của não bộ bị rối loạn, gây nên tình trạng mệt mỏi, chóng mặt kéo dài và giảm trí nhớ tạm thời. Tỉ lệ này ở những người có thói quen thức đêm thường cao gấp 5 lần so với những người có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
Làn da xuống sắc
Một trong những tác hại của thiếu ngủ đó chính là khiến cho các huyết quản dưới da hoạt động kém, dẫn đến việc các tế bào biểu bì bị thiếu đi nhiều chất dinh dưỡng, nhất là oxy. Hơn thế nữa, khi cơ thể không được nghỉ ngơi thoải mái, các hormone sinh trưởng sẽ bị hạn chế, khiến cho quá trình tái tạo da bị ngưng trệ, độc tố ở da không được loại bỏ triệt để, khiến làn da dễ trở nên thô ráp, kém mịn màng. Lúc này sắc mặt của chúng ta sẽ trở nên khó coi, làn da thường bị sạm đen, đánh mất vẻ tươi trẻ và tràn đầy sức sống vốn có.
Các vấn đề về thi lực
Khi mắt không được nghỉ ngơi đầy đủ mỗi ngày, một lẽ tất nhiên sẽ khiến thị lực của bạn suy giảm. Những người thức đêm nhiều thường rất dễ gặp phải các vấn đề như hoa mắt, chóng mặt, mờ mắt, độ cận tăng cao…Thị lực kém không những ảnh hưởng đến sức khỏe của bạn mà còn dễ gây ra tai nạn khi đi đường cũng như trong công việc. Để bảo vệ sức khỏe và giữ an toàn cho bản thân, hãy sắp xếp cho mình thời gian ngủ và làm việc hợp lý bạn nhé.
Mất khả năng tập trung, dễ cáu gắt
Thiếu ngủ sẽ khiến cho đại não luôn trong trạng thái hoạt động mệt mỏi, hệ thần kinh bị rối loạn, cảm xúc không ổn định… Một khi não bộ bị ảnh hưởng tiêu cực, bạn sẽ cảm thấy rất khó để tập trung suy nghĩ và đưa ra một quyết định chính xác. Hơn thế nữa, lúc này, hormone cortisol tăng đột ngột, làm cho chúng ta luôn ở trong trạng thái căng thẳng, dễ cáu gắt và nóng giận. Nó gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới tâm lý, tác động không nhỏ tới sức khỏe, đặc biệt là hệ tim mạch.
Thèm ăn hoặc chán ăn bất thường
Đồng hồ sinh học rất dễ bị rối loạn, quy trình hoạt động tuần hoàn của các cơ quan cũng bị phá hỏng chính là lý do khiến bạn có cảm giác thèm ăn hay chán ăn một cách thất thường. Tình trạng mất ngủ, thiếu ngủ có thể phá vỡ lượng đường trong máu, làm cho cơ thể sản xuất ít leptin – một hormone kiềm chế sự thèm ăn. Nó dẫn đến tình trạng thèm ăn thường xuyên và thất thường nhưng lại chán ăn khi đến bữa. Điều này gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe và tình trạng cân nặng của chúng ta.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet