Uốn lượn bên các vách đá dựng đứng, lơ lửng chơi vơi giữa trời mây hoang sơ hùng vĩ là những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến những cung đường đèo nguy hiểm này. Tuy nhiên vượt qua chặng đường khó khăn ấy bạn sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên có một không hai, đẹp đến ngỡ ngàng.
Đèo Pha Đin – Sơn La, Điện Biên:
Đèo Pha Đin có độ dài 32km với điểm cao nhất là 1.648m. Con đường ngoằn ngoèo, chênh vênh, một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu thăm thẳm, lại nhiều khúc cua hiểm trở. Tên gọi đèo Pha Đin nguyên gốc xuất xứ từ tiếng Thái, nghĩa là "Trời và Đất", hàm nghĩa nơi đây là chỗ tiếp giáp giữa trời và đất.
Đèo Ô Quy Hồ - Lào Cai, Lai Châu:
Với chiều dài gần 50km, đèo Ô Quy Hồ là con đèo giữ kỷ lục về độ dài tại vùng núi Tây Bắc. Đây cũng là một trong số những cung đường đèo hiểm trở và hùng vĩ vào bậc nhất Việt Nam. Độ cao, sự hiểm trở và chiều dài của Ô Quy Hồ khiến đèo được mệnh danh không chính thống là "vua đèo vùng Tây Bắc".
Đèo Khau Phạ - Yên Bái
Theo tiếng Thái, Khau Phạ có nghĩa là Trời cao. Đây là con đèo quanh co, dốc đứng thuộc hàng bậc nhất Việt Nam, thuộc tuyến quốc lộ 32, dài trên 30km. Nằm ở khu vực giáp giới giữa huyện Văn Chấn và huyện Mù Cang Chải của tỉnh Yên Bái, đi qua nhiều địa danh nổi tiếng như La Pán Tẩn, Mù Cang Chải, Tú Lệ, Chế Cu Nha, Nậm Có... ở độ cao từ 1.200m đến 1.500m so với mực nước biển.
Ngoài những thửa ruộng bậc thang trải dài miên man, nằm bên cung đường đèo quanh co của Khau Phạ còn cả những cánh rừng già mang đậm nét nguyên sơ, lưu giữ được nhiều loại động thực vật quý hiếm.
Đèo Mã Pí Lèng - Hà Giang:
Đây là cung đường chạy dài 20km uốn quanh đỉnh núi Mã Pí Lèng cao 2.000m, nối liền thị xã Mèo Vạc với Đồng Văn. Đoạn đèo này nổi tiếng với những cung đường uốn lượn như con rắn vắt mình từ ngọn núi này sang ngọn núi khác. Với 9 khoanh uốn khúc bên vách đá dựng đứng bên vực thẳm hun hút - tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở ở vùng núi biên viễn phía Bắc.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet