Dù chưa chứng minh được liệu Demodex folliculorum (D.folliculorum) và Demodex brevis (D.brevis) có gây hại gì đến cơ thể người hay không, nhưng bằng việc nghiên cứu những “vị khách trọ” không mời này, các nhà khoa học có thể khám phá nhiều bí ẩn liên quan đến quá trình tiến hóa của con người, đặc biệt về khả năng miễn dịch.
Xuất hiện trên da mặt của bất cứ ai
Theo kết quả nghiên cứu của trường đại học Bắc Carolina, Mỹ, các nhà khoa học đã tìm thấy ADN của Demodex trên da mặt của tất cả những người tham gia. Tuy nhiên, số lượng rận trên từng người khó có thể xác định được, nhưng trung bình một quần thể có thể lên đến hàng nghìn con. Tùy theo cơ thể từng người, số rận cư trú không có quy chuẩn cụ thể, thậm chí cùng một người cũng có sự chênh lệch giữa hai bên mặt.
Rận Demodex dành cả vòng đời trên da người
Demodex folliculorum (D.folliculorum) và Demodex brevis (D.brevis) là hai loài rận chuyên ký sinh trên da mặt người, hình dáng tương tự động vật chân đốt, họ hàng gần nhất với nhóm nhện và bọ ve. Demodex có 8 chân ngắn mập mạp, mọc gần đầu. Cơ thể chúng thon dài, giống con sâu. Dưới kính hiển vi, chúng trông như thể đang bơi qua bể dầu với tốc độ không quá nhanh.
Hai loài sống ở những khu vực khác nhau, D. folliculorum cư trú trong lỗ chân lông và nang tóc, trong khi D. brevis thích nơi sâu hơn dưới lớp biểu bì hay tuyến bã nhờn. Vì da mặt của chúng ta có lỗ chân lông rộng và nhiều tuyến bã nhờn hơn nên đây là khu vực tập trung nhiều loại bọ này nhất, ngoài ra chúng thỉnh thoảng còn xuất hiện tại ngực và bộ phận sinh dục.
Chúng có mặt trên da mặt của hầu hết mọi người
Nghe có vẻ rùng rợn, nhưng thực tế sẽ chẳng thể diệt trừ vĩnh viễn D.folliculorum và D.brevis khỏi da mặt. Dù có sử dụng nhiều liệu pháp khác nhau, chúng vẫn sẽ xuất hiện trở lại khoảng 6 tuần sau. Nhà khoa học Megan Thoemmes của đại học Bắc Carolina cho biết: “Chúng ta lây rận khi tiếp xúc với người khác hoặc từ vật dụng thường ngày như chăn, gối đệm hay khăn tắm”.
Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn nghi ngờ cơ thể người đã bị nhiễm hai loại rận này từ lúc mới sinh. Giả thuyết này xuất phát từ phát hiện rận Demodex trên mô vú người, điều này có nghĩa loại rận này lây từ mẹ sang trẻ khi bú hoặc trẻ bị nhiễm từ bộ phận sinh dục của mẹ trong lúc sinh.
D. folliculorum dưới lăn kính hiển vi
Cả vòng đời diễn ra trên da mặt người
Demodex folliculorum và Demodex brevis tiến hành giao phối và sinh sản ngay tại khu vực sinh sống. Các nhà khoa học đã quan sát được quá trình con cái đẻ trứng quanh tổ, khu vực lỗ chân lông. Tuy nhiên, số lượng trứng không nhiều bởi kích thước trứng khá lớn. Thoemmes nhận xét: “Trứng khá lớn, to từ một phần ba đến một nữa kích thước con cái. Để tiến hành cho lần sinh sản tiếp theo, chúng phải bồi bổ lại cơ thể”.
Đầu và chân của D. folliculorum
Nghiên cứu này vẫn chưa thể hiện rõ được cơ chế sinh sản của hai loại rận này. Không giống như các loại rận khác, Demodex có cơ chế khá đơn giản chứ không quá đa dạng. Báo cáo cho biết: “Chưa có ghi nhận về trường hợp chúng ăn thịt lẫn nhau. Có vẻ như chúng chỉ ra ngoài vào ban đêm để giao phối rồi quay lại lỗ chân lông”.
Quan trọng nhất, các nhà khoa học vẫn chưa thể tìm ra nguyên nhân vì sao Demodex lại thích sinh sống ở da mặt, bởi không có bằng chứng về thức ăn của loại rận này. Thoemmes nói: “Một số cho rằng chúng ăn vi khuẩn sống trên da. Số khác lại cho rằng chúng ăn da chết hoặc ăn dầu từ tuyến bã nhờn”. Hiện nhóm nghiên cứu đang tìm hiểu các vi sinh vật sống trong ruột của Demodex để tìm ra thức ăn của chúng.
Cơ thể Demodex folliculorum
Mặc dù vẫn phải bài tiết, nhưng loài rận này không có hậu môn. Do đó, cơ thể chúng tích lũy chất thải trong suốt cả quãng đời. Cho tới lúc chết đi, cơ thể Demodex sẽ khô lại và lưu chất thải khắp mặt người.
Vì cả vòng đời chỉ diễn ra trên da, nên Demodex có thể liên quan đến một vài triệu chứng bệnh da liễu. Các nhà khoa học phát hiện Demodex tuy không phải là nguyên nhân gây ra chứng rối loạn da mãn tính (Rosacea), nhưng lại được xem là chất xúc tác khiến căn bệnh này trở nên nghiêm trọng hơn.
Demodex có liên quan tới chứng rối loạn da mãn tính (Rosacea)
Da của người bệnh thường đỏ ửng, xuất hiện nốt đỏ đậm gây cảm giác ngứa ngáy. Khi Demodex chết, lượng vi khuẩn từ chất thải gây kích ứng và viêm tấy nặng hơn. Đồng thời, số lượng rận tại những khu vực bị sưng tấy thường nhiều hơn gấp hàng chục lần so với một người bình thường, từ 10-20 con/cm2.
Da của con người, với các tuyến bã nhờn gắn liền với nang lông
Những bí ẩn liên quan đến quá trình tiến hóa của con người
Rận Demodex đã được biết đến từ năm 1842 khi các nhà khoa học tìm thấy loại D.folliculorum trong ráy tai người ở Pháp. Thế nhưng phải đến năm 2014, vị khách không mời trên mặt người này mới trở thành đề tài nghiên cứu đáng chú ý.
Một nang tóc có chứa D. folliculorum
Dựa trên kết quả có được, bà Theommes suy đoán, Demodex có lẽ đã xuất hiện từ cách đây 20.000 năm, cùng lúc với tổ tiên Hominidae của con người chúng ta. Điều này khá dễ lý giải, bởi từ lâu con người đã có mối quan hệ gần gũi với chó nhà và chó sói, từ đó bị lây rận từ chúng. D.brevis gần giống với những loài ký sinh trên chó.
Bề mặt da chứa đầy rận Demodex
Chính vì “gắn bó” mật thiết với con người, rận Demodex cũng giống như nhiều loại động vật khác có thể tiết lộ nhiều bí ẩn liên quan đến lịch sử tiến hóa của loài người. Khi xét nghiệm gen của Demodex trên những cộng đồng người ở nhiều khu vực như châu Á, Bắc Mỹ và Nam Mỹ, kết quả thu thập lại hoàn toàn khác biệt.
Nhà khoa học Thoemmes kết luận: “Demodex chắc chắn có ảnh hưởng đến chúng ta, và ngược lại. Cơ thể đã miễn dịch được với tác động của chúng, có nghĩa là chúng đã ảnh hưởng tới hệ thống phản ứng trước bệnh tật của chúng ta”.
- 17/05/15 14:06 Phát hiện “thủy quái” mực khổng lồ trên bãi biển
- 16/05/15 17:00 Rùng mình với những khoảnh khắc trước khi cái chết ập đến
- 16/05/15 15:37 Chân dung những "sinh vật ngoài hành tinh" ẩn nấp ngay trong nhà
- 13/05/15 08:43 Những thực vật có độc giết người trên thế giới
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet