Chiều dần tàn, một cơn mưa đầu mùa thật lớn bất thần chụp xuống. Mưa nặng hạt vừa to vừa lâu, kéo dài cho đến khi mảnh ruộng sau nhà sâm sấp nước, tiếng mưa vừa yên ắng thì tiếng ếch nhái kêu ộp oạp... ộp oạp… nổi lên rộn ràng, rền vang khắp cả cánh đồng nghe thật là vui tai. Bố tôi bắt đầu ”lục đục” lôi các vật dụng trong kho ra “sắm sửa” các thứ chuẩn bị đi soi ếch đầu mùa.
Những cánh đồng quê nhà
Ngoài trời bắt đầu choạng vạng nhá nhem tối, đường đất trở nên lầy lội, con đường làng mưa lớn nước thoát không kịp chảy tràn vào các khu vườn nằm sát hai bên. Như đã có thông lệ từ bao đời nay, không ai bảo ai cứ hễ có cây mưa lớn đầu mùa là cả làng ăn cơm thật sớm, cánh đàn ông chuẩn bị dụng cụ đâu đó sẵn sàng, nào là vợt bắt ếch, giỏ đựng ếch, đèn pin cầm tay, đèn đội đeo giữa trán, bình “ăc-cu” mang bên vai … để rồi khi màn đêm buông xuống không còn nhận ra bóng người nữa, là cả xóm túa ra đồng bước vào mùa soi ếch.
hời gian đó khắp các làng quê bổng dưng chộn rộn, lòng người nôn nao như đang chuẩn bị đi dự hội hè. Từ đầu cánh đồng cho tới phía xa kia bỗng chốc sáng rực, những ánh đèn nhấp nháy lung linh như một thành phố về đêm, cộng thêm những đóm lửa của điếu thuốc hút lập lòe như ma trơi, vào mùa sa mưa, dân làng đua nhau đi soi ếch coi như đây là một thói quen, một “lễ hội truyền thống” đã có từ thời xa xưa, kể từ khi tổ tiên ông bà đến đây khẩn hoang lập ấp.
Mùa bắt ếch hàng năm thông thường từ tháng năm âm lịch trở đi, trời mưa buổi chiều hoặc đêm mưa xong là thời điểm thuận lợi đi bắt ếch nhái, vừa dễ bắt lại bắt được nhiều vô số kể. Là mùa làm ăn “kiếm cơm gạo” của mấy tay chuyên soi ếch, nhái lên đường... cũng không kém phần hấp dẫn và lôi cuốn những kẻ không chuyên nghiệp tìm mồi nhậu, tìm niềm vui giữa cánh đồng không mông quạnh hay trải nghiệm hương vị cuộc sống nơi miền thôn dã…
Thời điểm này những con ếch đồng thường trú mình dưới những luống cày vì vậy khi những cơn mưa giông tháng 5 đổ xuống, cơn khát của chúng như được giải quyết. Trời ngớt mưa ếch, nhái mới mò ra ngoài để kiếm ăn, ghép cặp với nhau. Đây là thời điểm bắt chúng dễ nhất vì trước đó chúng núp trong các luống đất cày, hốc cây, khe đá…. nước ngoài đồng ngập hết thì ếch hay ngồi trong các bụi cỏ trong các vạt lung, trên các giồng ranh cỏ mồm, cỏ ống cao mịt mù, trên những mô lươn, hoặc những gốc cây mục, vùng đìa, những chòm mả mồ, mấy cái nền trại ruộng cao ráo giữa đồng, những sân phơi lúa, những ụ rơm và chỗ nào mà chúng bám được là chúng ở chờ nước xuống.
“Sống lâu nên lão làng” nhiều người đi soi riết trở nên dạn dày kinh nghiệm, cứ hễ nghe tiếng ếch kêu hướng nào thì soi đèn về phía đó. Con kêu tiếng ngắn, đứt quãng là con ếch, con kêu nhanh, dài là con nhái, cứ cần mẫn lia đèn pin, khi nhìn thấy ánh mắt đỏ, đích thị là mắt ếch hoặc nhái, mắt ếch đuợc phân biệt với cóc, chuột, rắn, bởi nó màu đỏ nếu không có kinh nghiệm thì khó phát hiện ra ếch, nhái, nhất là với những con hòa vào trong cây cỏ, màu đất. Hai mắt ếch phản xạ với ánh sáng của chiếc đèn nên đứng yên. Người đi soi ếch phải thật lẹ mắt nhanh tay giơ vợt chụp ngay tức khắc khi vừa nhìn thấy.
Mùa mưa ếch bắt cặp sinh sản nên thường bắt được nhiều. Thời điểm này những con ếch nằm “bắt cặp” rất dạn dĩ, thông thường chỉ chụp một lần là bắt được cả hai con, chỉ cần đi chừng vài tiếng đồng hồ là đã đầy giỏ “quẩy” không nổi.
Ếch đồng
Bố tôi kể, ngày xưa lúc cha ông mới tới đây lập nghiệp, ếch nhái nhiều vô kể, cua đồng, lươn, ốc, rùa, ba ba ,cá thì đầy đồng, cứ đưa nhủi, vó, vợt …ra mà hốt. Tuy vậy lúc đó lại ít ai bắt chúng để ăn, có lẽ thế mà chúng đã nhiều lại càng nhiều thêm, kiếm thức ăn cho bữa cơm hằng ngày dễ dàng như trở bàn tay. Nhiều người đi soi ếch chỉ vì tìm cảm giác hứng thú, vì ham vui, cũng có một số ít người làm nghề soi ếch để kiếm cơm áo gạo tiền nhưng chẳng ăn thua gì vì giá cả “rẻ bèo”.
Nhiều năm nay, tại các quán ăn, nhà hàng thịt ếch trở thành món ăn đặc sản. Hiện nay nguồn ếch, nhái đang bị cạn kiệt do tác động của con người và môi trường sống ngoài tự nhiên của chúng bị ô nhiễm, lượng ếch, nhái cũng theo đó mà giảm đáng kể. Các món ếch nhái nằm trong thực đơn nhà hàng với giá cả không mấy “phải chăng”, chỉ bằng những cái tên gọi khá ấn tượng như : chân dài chiên bơ, chân dài um chuối, chân dài nấu lẩu … làm cho món ăn tăng thêm về giá trị và nhu cầu về ếch ngày càng lên cao, lại còn có cả thị trường xuất khẩu nữa, cho nên lực lượng soi ếch phải tận dụng nhiều phương cách nhảy vào vơ vét của cải của thiên nhiên.
Ruộng đồng gì mà riết rồi kiếm cái ăn không ra, người đi soi ếch bây giờ còn nhiều hơn cả ếch ngoài đồng, nếu so sánh với thu nhập của người nông dân chúng mang lại nguồn thu đáng kể, có những tay chuyên nghiệp họ biết nơi nào có ếch nhiều rồi đặt giỏ ếch mồi để dụ cũng bắt được nhiều ếch, nhưng để chọn được con ếch mồi hay quả là cả một kỳ công. Lại có vài người thiện nghệ tới cỡ dùng miệng phát ra tiếng ếch kêu để dụ và bắt được ếch cũng khá.
Đêm đó, cả mấy bố con tôi sải dài những bước chân trên đồng ruộng, mặc dầu đã thấm mệt và buồn ngủ, nhưng vẫn cố gắng tận dụng cơ hội trời cho để thừa hưởng sản vật của đồng ruộng càng nhiều càng tốt. Loanh quanh một “chặp” lội hơn vài giờ đồng hồ trên cánh đồng gần nhà, giỏ cũng gần đầy những ếch với nhái, tôi ước chừng có đến cả trăm con to, nhỏ. Ai nấy bắt đầu thấy bụng đói cồn cào, liền “hú” nhau “thu quân”.
Ở nhà mẹ bắc sẵn nồi cháo gạo Nàng Hương thơm lừng, lựa mấy con ếch “bà” mập to nhất giỏ, ruột đầy mỡ, lại mang một đùm trứng béo ngậy, lột da băm nhỏ ướp gia vị mấy phút cho thấm, dùng dầu phộng thứ thiệt cho tỏi băm, hành tím mà xào cho thơm rồi cho vào nồi cháo nóng vừa ăn vừa thổi, thưởng thức vị béo, ngậy ngọt đậm của thịt ếch, có lẽ lúc này không có món gì có thể ngon hơn … bố và mấy anh tôi vừa nhâm nhi chén rượu vừa thưởng thức thành quả hơn 2 tiếng đồng hồ, tuy hơi mệt nhưng rất vui và sảng khoái, ai nấy “tranh nhau” kể công, thế là cơn buồn ngủ tiêu tan, câu chuyện bắt ếch của mấy bố con càng lúc càng thêm rôm rả, hào hứng...
Thịt ếch trắng gần giống như thịt gà ăn rất ngon, chế biến được rất nhiều món như: nướng mọi chấm với muối ớt, nướng với lá lốt, ếch chiên bơ, thịt ếch xào lăn, xào xả ớt, ếch kho tiêu, nấu lẩu… Với nhái, cách ngon nhất là tẩm bột chiên giòn... Mùa soi ếch nhà nào cũng “gộng” mấy mái đầm ếch nhái để dành ăn dần, mẹ vốn khéo tay nên chế biến thành các món rất ngon cải thiện bữa ăn cho gia đình.
Cháo ếch đồng
Năm nào cũng thế cứ đến tháng 5 khi cơn mưa đầu mùa xuất hiện là cả làng quê tôi kẻ chuyên, người không chuyên đua nhau ra đồng soi ếch. Người càng nhiều thì việc vơ vét của cải đồng đất càng triệt để và “dữ dội”, lại còn rỉ tai nhau: ếch mà hầm thuốc Bắc ăn vào tráng dương cường thận, đùi người ăn ếch sẽ săn chắc và to như đùi ếch”, biểu sao nguồn ếch nhái không “cạn kiệt” cho được.
Sau cơn mưa nước ngấm dần vào đất mặt đồng bắt đầu trơ rạ, xa xa một vài vùng loang loáng nước. Ngoài những cơn mưa đầu mùa, sau đó muốn bắt được nhiều ếch phải am hiểu thời tiết, hôm nào trời sáng trăng nên ở nhà mà ngủ cho khỏe, có đi cũng chẳng có “xơ múi” gì.
Thuở còn nhỏ, đến mùa soi ếch tôi thường xin bố đi theo cầm “bị”(giỏ) đựng “chiến lợi phẩm”. Những đêm nhìn đèn lấp lóe của người soi ếch ngoài ruộng đồng như có động lực thúc giục không đi không được, dẫu có buồn ngủ hết sức cũng nóng ruột không tài nào nhắm mắt, những làn gió đêm lướt vào da thịt mát rượi, nước lõm bõm dưới chân mặt ruộng không bằng bặn, chân cao chân thấp trật lên trẹo xuống, đầu óc cứ căng ra dồn vào cặp mắt, chăm chú tập trung vào các bờ ruộng, lùm cỏ, cồn đất mà lia đèn lùng sục… vừa hồi hộp lại rất hấp dẫn. Ôi! Cái thú đi soi ếch đêm sao mà sướng mà thích đến thế !
Tôi còn nhớ mãi, lúc đó tôi chưa được học một bài nào về tình yêu quê hương đất nước, nhưng sau những lần theo bố ra đồng soi ếch, tình yêu quê hương xứ sở nó đã tự rung động và xuất phát từ trái tim, khối óc, nhập vào hồn người ăn sâu vào máu thịt, nó dạy mình làm người theo cái lẽ tự nhiên, đó là cái hồn cốt đồng đất quê hương nơi “neo đậu” cuộc đời mỗi con người ...bởi cánh đồng trước mặt giống như người mẹ hiền, nó sinh ra thực vật hoa màu lúa gạo bởi thành quả lao động con người, cùng các loài động vật ếch, nhái, tôm, cua... sinh sản trong thiên nhiên để nuôi mình lớn lên phổng phao thành người.
Thời còn chăn trâu cắt cỏ mấy trò thú vị ở đồng quê tôi đã nếm trải gần đủ. Giờ đây xa quê, cơn mưa đầu mùa đang ào ào qua căn gác trọ, lòng tôi chợt bồi hồi xao xuyến, nhớ bố mẹ nơi quê nhà đã “thất thập cổ lai hy”, nhớ những đêm mưa lâm râm nằm nghe tiếng ếch nhái đồng thanh hát điệu “nam ai”, lòng tôi đầy “trắc ẩn” man mác một nỗi buồn vô hạn: “Vẵng nghe tiếng ếch bên tai / Giật mình còn tưởng tiếng ai gọi đò ( thơ Tú Xương).
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet