Nội dung

Ai cũng bảo thời gian là liều thuốc tốt nhất để quên đi một người mà ta từng yêu thương nhất. Vậy có ai trả lời được liệu bao lâu mới đủ để khiến một người quên đi một người?

Là 1 năm, 2 năm, 5 năm hay là cả đời? Với tôi, cho đến ngày cuối cùng tôi còn sống, tôi vẫn nhớ rõ tất cả những người tôi đã từng quen. Quá khứ không phải là thứ để bạn cố gắng ép bản thân mình phải quên đi, mà quá khứ là để nhớ. Nhớ là cách để tôi quên đi một người.

Mỗi chúng ta đều có quyền lựa chọn cho mình mỗi cách nhìn lại những gì đã qua khác nhau. Đối với những chuyện cũ dễ làm người ta buồn, hầu hết ai cũng ra sức lảng tránh nó, cố tạo việc làm để mình bận rộn mỗi khi đầu óc phát hiện được có dấu hiệu "quá khứ ùa về". Đó là một cách lãng quên "tạm bợ". Một ngày dài từ sáng đến tối, bạn loay hoay từ việc này sang việc khác để trí nhớ không có thời gian hoạt động, để trái tim không có cơ hội để đau. Nhưng rồi cho đến cuối ngày, khi đã đặt mình xuống giường mà mắt không thể nhắm, bạn có thể làm gì để chống chọi với những kỉ niệm ào ạt ùa tới sau một ngày bị ngăn chặn? Rồi thì cũng phải gặm nhắm chúng giữa màu đen u uất đến rợn người. Giữa đêm tối, chỉ có bạn và những tổn thương.

Nhớ chính là cách để quên đi một người

Khi bạn một mình chạy xe trên con đường đông đúc người qua lại, trong dòng người xa lạ ấy luôn luôn có những bạn nữ vòng tay qua eo ôm chặt lấy bạn nam của họ. Bạn cố đưa mắt mình nhìn thẳng về phía trước hay nhìn lơ đễnh về một nơi không có bóng dáng những cặp ôm nhau. Bạn sợ những gì bạn nhìn thấy sẽ khiến bạn nhớ lại chuyện cũ, gợi nhắc rằng bạn cũng từng được ai đó chở đi vi vu dạo quanh những con đường, và bạn cũng đã từng ôm ai đó thật chặt như thế. Nhìn họ, nhìn lại mình, hai dòng nước mắt rơi nhẹ nhàng đằng sau một nỗi lòng đang dậy sóng bởi sự tủi thân và tiếc nuối. Nhưng rồi bạn có thể né tránh những hình ảnh đó được bao nhiêu lần? Bên trái có hai người ôm nhau, bên phải có hai người ôm nhau, thậm chí đằng trước đằng sau đều có hai người ôm nhau, đâu sẽ là điểm dừng chân cho cái nhìn của bạn? Thay vì bạn né tránh chúng, tại sao bạn không thử đón nhận chúng bằng một cái cách khác đi? Tôi đã nhìn thật kĩ hạnh phúc của những người xa lạ đó, tôi lẳng lặng đi theo sau họ chỉ để nhìn một người đang ôm một người. Tôi nhớ lại tất cả những gì bạn không muốn nhớ, tôi cười và nghĩ rằng "Hồi ấy chắc cũng có khối đứa ganh tị với mình như mình bây giờ". Ừ thì có cảm giác nhói ở nơi ngực trái, nhưng ngày nào cũng nhìn, ngày nào cũng nghĩ tới, dần dần tôi thấy mọi thứ thật ra cũng không có gì ghê gớm, kỉ niệm cũ cũng chẳng quá đáng sợ như người ta vẫn thường nói, đau một vài lần là sẽ hết đau thôi.

Tôi đón nhận quá khứ mọi lúc nó muốn tìm đến tôi. Khi nghe một bản nhạc buồn, tôi nhớ một người mà bây giờ được gọi với cái tên "người yêu cũ", tôi khóc. Tôi sẽ không nhủ lòng rằng đừng bao giờ nghe lại nó lần thứ hai, mà tôi cứ thản nhiên nghe nó suốt cả ngày, nghe đến phát chán, nghe đến khi nước mắt chẳng buồn rơi thêm.

Những món quà kỉ niệm mà tôi đã nhận được, tôi chẳng cất nó đi hay đem trả lại, tôi để đó và tiếp tục gìn giữ. Thời gian đầu, quà là thứ làm tôi đau quằn quại với niềm vui đã mất, nhưng rồi khi cứ mãi nghĩ tới thì tôi lại tự cảm thấy vô vị, nhạt nhẽo với những quằn quại đó, để lại trong tôi là những niềm vui cũ đơn thuần, tôi vui và tôi không còn đau.

Nhớ chính là cách để quên đi một người

Những nơi mà tôi cùng ai đó hay lảng vảng tới lúc còn quen nhau sẽ không bị tôi cho vào danh sách cấm, tôi sẽ không tìm cho mình một con đường khác nếu đi ngang chúng là con đường dễ đi nhất. Mỗi lúc đi qua, tôi cứ nhìn thế, và tôi hồi tưởng lại trước đây chúng tôi đã đến đó và làm gì. Ừ thì có lúc chạnh lòng đến bật khóc, có lúc tưởng chừng như không còn thở nổi, nhưng rồi ai đó và cả nơi đó cũng sẽ chỉ là những thứ được tôi dán mác "đã cũ", nhìn lại để biết chúng từng tồn tại chứ không còn nhìn lại để đau. Bởi lẽ, đau như thế đủ để quen rồi.

Sau một vài chuyện tình tan vỡ, tôi nghiệm ra được cách hay nhất để quên đi tổn thương đó là cố gắng nhớ đến chúng nhiều nhất có thể. Khi tôi bắt đầu nhớ về một điều gì đấy đã từng tồn tại, tôi không gạt chúng sang một bên mà ngược lại, tôi nghĩ về điều đó một cách rõ ràng như mới vừa xảy ra hôm qua. Lòng tôi thắt lại vì những hạnh phúc cũ, tim tôi đau đớn khi bị lấn át bởi nỗi đau. Nhưng, khi cơn đau đã đi đến tận cùng, khoảnh khắc mà tôi hay gọi nó là "đau đạt đỉnh", thì mọi thứ dường như trở nên rất đỗi bình thường.

Chẳng ai có thể đau quá nhiều lần vì một lí do cả, sẽ có lúc bạn mất đi cảm giác và nghĩ về chúng như suy nghĩ về chuyện một ngày cần ăn cơm 3 bữa hay con trai tóc dài thì phải đi cắt thôi. Ví như chúng ta có một chiếc tủ đựng quần áo, dù có cố gắng nhồi nhét bao nhiêu đi chăng nữa thì nó cũng chỉ chứa được một số lượng quần áo nhất định nào đó, khi nó đã đủ thì nó sẽ ngừng nhận thêm. Trái tim của chúng ta cũng vậy, cũng có một giới hạn để chứa đựng những nỗi đau. Đau đủ rồi tự khắc sẽ bình yên.

Quá khứ sẽ là thứ rất đẹp nếu bạn biết cách nhìn nhận và đón lấy nó. Nếu cứ xếp nó lại và cất vào nơi sâu nhất trong con người bạn, chẳng có gì đảm bảo nó sẽ ở nguyên vị trí đó, và khi nó trỗi dậy bạn sẽ không đủ sức để chịu đựng. Cứ nhìn lại mỗi ngày một ít, đau từng chút và rồi một ngày bỗng dưng bạn sẽ được miễn dịch với nỗi đau mang tên "quá khứ". Khi đấy, bạn đã quên!

Chân Ngắn -

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Đi xe SH mới là đẳng cấp

"Trên thế giới chẳng còn nước nào quan tâm đến xe hai bánh, nó chỉ được coi là phương tiện 'thể thao nguy hiểm'. Ở ta vẫn quan trọng hóa vấn đề, rằng nó thể hiện đẳng cấp của người đi, thật...

Xem thêm  

10 status ấn tượng trong tuần trên Facebook

'Già rồi hãy sống và làm những điều mình yêu thích, đơn giản vì mình không còn nhiều thời gian', Kỳ Duyên viết. Status số 1 "Người đàn ông mang đến hoa hồng chỉ để vui chứ không nên quá coi trọng....

Xem thêm