Kim Long là xứ mỹ miều
Muốn đi thăm nhà vườn Huế, bạn không thể không tìm đến phường Kim Long (TP. Huế, tỉnh Thừa Thiên- Huế) - nơi còn lưu giữ được rất nhiều ngôi nhà vườn nằm ngay bên bờ sông Hương về phía Nam. Ở đây khung cảnh vô cùng lãng mạn, trước mặt là con sông như một dải lụa mềm mại vắt ngang qua, nước ăm ắp đầy trong xanh.
Nhà vườn An Hiên nằm ngay bên bờ Bắc dòng sông Hương.
Thời Vua Nguyễn, đất làng Kim Long là nơi ở của nhiều ông hoàng bà chúa, các vị đại thần khoa bảng; là nơi lập nhà vườn cực kỳ lý tưởng. Các ngôi nhà vườn còn lại cho đến hôm nay chỉ cách dòng sông một con đường cái quan, tọa lạc trên đất phù sa của dòng Hương bồi đắp nên cây trái bốn mùa đều tươi xanh. Nhà vườn An Lạc Viên (1C Phú Mộng) là ngôi nhà của viên thị lang Mai Quang Hàm, ngôi nhà vườn này được tạo lập từ năm 1888, toàn bộ khu vườn rộng 2.000m2, mướt xanh các loại cây ăn quả như hồng, thanh trà, sapôchê, nhãn, vải… Ngôi nhà ở địa chỉ 3/2 Phú Mộng trước kia là phủ của Lễ bộ Thượng thư Phạm Hữu Ðiền, được xây dựng khoảng vào năm 1884-1909.
Nổi tiếng nhất trong các ngôi nhà vườn ở Kim Long chính là nhà vườn An Hiên, nơi thu hút rất đông khách du lịch trong và ngoài nước. Cổng nhà vườn An Hiên xây theo hình vòm cổ kính, trong nhà có nóc mái được trang trí hình hổ phù, hai bên có hoa văn cách điệu, sau tấm bình phong là hồ rộng thả hoa sen, hoa súng, vào mùa hạ hoa sen nở thơm ngát.
Nông dân làm du lịch
Ông Lê Ðình Phú- Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, hiện nay trên địa bàn phương có 800 ngôi nhà vườn (trong đó có 65 ngôi nhà rường) diện tích từ 1.000-8.700m2 có thể tổ chức để khách tham quan.
Hiện nay ở Huế, một loại hình du lịch thu hút khá nhiều du khách là du lịch cộng đồng do Hội Nông dân tổ chức. Loại hình này vừa thu hút khách Tây vừa thu hút khách ta bởi nó mới lạ nhưng rất gần gũi và giá cả phải chăng. Thành công nhất có lẽ là mô hình du lịch cộng đồng của nông dân phường Thủy Biều, TP.Huế. Mặc dù trực thuộc thành phố nhưng phường Thủy Biều không khác gì một làng quê thứ thiệt, nơi du khách có thể đi đến bằng xe máy, trải nghiệm bằng xe đạp hay đi thuyền xuôi theo sông Hương.
Ở đây có những vườn thanh trà thơm mát cho trái ngọt, có nhà thờ họ Nguyễn Phước tộc và hai điểm đến thu hút không ít sự tò mò tìm hiểu, khám phá là Hổ Quyền và điện Voi Ré. Hổ Quyền là nơi diễn ra những trận đấu giữa voi và hổ nhằm mục đích tế thần trong ngày hội, cũng như phục vụ nhu cầu giải trí của vua, quan triều Nguyễn và người dân. Cách Hổ Quyền chừng 400m, điện Voi Ré hay còn gọi Long Châu miếu là chứng tích một thời của đội Kinh tượng nhà Nguyễn.
Anh Rollan Peterson- một du khách đến từ Đan Mạch cho biết rất thích thú khi được xem những nông dân ở Thủy Biều làm các công việc nhà nông hàng ngày của họ và du khách này còn đặc biệt ấn tượng với hương vị của quả thanh trà được hái từ trong vườn.
Hiện nay, có khoảng hơn 20 hộ nông dân ở Thủy Biều tham gia làm du lịch cộng đồng, cứ mỗi đoàn khách đến tham quan nhà, chủ nhà được trích lại một phần tiền trong chi phí mà tour du lịch thu được. Bên cạnh đó, chủ nhà còn có thể bán cho khách những sản phẩm do chính tay họ làm ra như đặc sản kẹo mè xửng, các loại mứt, đồ thủ công mỹ nghệ để kiếm thêm thu nhập.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet