Thầy Nguyễn Trà (82 tuổi) là một người con của dòng họ Nguyễn Đông Tác - một trong những dòng họ định cư lâu đời nhất tại khu vực Thăng Long - Hà Nội liên tục trong suốt 600 năm qua.
Trò chuyện với thầy Trà, chúng tôi được nghe kể về lịch sử vẻ vang của dòng họ bắt đầu từ thời Hậu Lê. Truyền từ đời này qua đời khác, dòng họ khoa bảng nổi tiếng đã sinh ra nhiều danh nhân cho Hà Nội và đất nước.
Thầy Nguyễn Trà - một người con của dòng họ, nổi tiếng trong khu vực không chỉ là vì mở lớp học miễn phí cho các em mà còn khiến nhiều người nể phục với khả năng nghe nói đọc viết trôi chảy 6 ngoại ngữ là tiếng Anh, Pháp, Hán, Nga, Ý, Đức. Trong khi đó, thầy lại dạy môn Vật lý.
Dòng họ Nguyễn Đông Tác có nguồn gốc từ Gia Miêu ngoại trang, Thanh Hóa. Từ thế kỉ 15, cụ sơ Tổ của dòng họ, là Phụ quốc Thượng tướng quân, đã được vua ban 14 mẫu đất (hơn 50.000m2). Trải qua 21 đời, người dân ở xứ khác đổ về ngụ cư, cha ông lại chia đất cho ở; hơn nữa nhiều người trong dòng họ lưu tán ở nhiều nơi nên nay chỉ còn một chi họ Nguyễn sống tại mảnh đất tổ với diện tích hơn 1 mẫu (3.600m2).
Nhà thờ chi họ Nguyễn ở làng Đông Tác của gia đình thầy Trà đã tồn tại 21 đời, khoảng 600 năm ở làng Kim Liên.
Sống chung trong mảnh đất của tổ tiên, mỗi gia đình của dòng họ đều giữ nếp gia phong Nho giáo - Tam cương ngũ thường, Quyền huynh thế phụ. Thầy Trà rất tự hào khi dù trong quá trình đô thị hóa nhanh chóng nhưng anh em trong gia đình vẫn luôn đùm bọc nhau như thời còn thơ ấu. Mọi người hay nhắc nhở nhau nhớ lấy "Sự tích cây tử kinh" mà cha ông vẫn răn dạy từ đời này qua đời khác trong nhà.
Truyện kể rằng, tại một nhà nọ, khi cha mẹ mất đi để lại gia sản cho cả ba anh em. Tuy vậy, cả ba người đều tranh giành nhau, ai cũng muốn lấy phần hơn cho riêng mình. Khi công việc phân chia tưởng chừng đã ngã ngũ, bỗng mọi người phát hiện ra còn sót một góc đất có trồng cây tử kinh. Ba anh em bàn nhau thôi thì mỗi người xẻ lấy một phần ba. Lạ thay, khi còn chưa thực hiện, cây tử kinh đang xanh tốt bỗng từ từ úa vàng. Người anh cả mới giật mình: "Chẳng lẽ mình còn không bằng một cái cây", bèn gọi hai người em lại để giảng hòa. Từ đó, cây tử kinh lại xanh tốt trở lại.
Nhà thờ được tu sửa mới những vẫn giữ các nét kiến trúc Á Đông truyền thống với cột trụ, mái ngói đỏ son. Chiếc bia Tiến sĩ "Cụ Nghè Đông Tác" - Nguyễn Văn Lý (đời thứ 11) được con cháu tạc lại nguyên bản theo bia khắc đá ở Văn Miếu, Huế.
Nhà thờ họ vẫn sử dụng những đồ thờ từ ngày xưa như những chiếc khám đựng bài vị. Đặc biệt, có những bài vị viết tay đã có niên đại lên đến 400 - 500 năm.
Rầm gỗ chắc chắn vẫn giữ nguyên kết cấu từ ngày xưa
Những đồ nội thất mới cũng mang nét châu Á truyền thống để phù hợp với không khí trang nghiêm, kính cẩn trong phòng thờ của một trong những dòng họ lâu đời nhất đất kinh kỳ.
Bước qua khu nhà thờ là khoảnh sân nhỏ tĩnh lặng. Góc sân này chủ yếu do vợ thầy chăm nom, vun xới để tạo nên một không gian nghỉ ngơi quý giá giữa Thủ đô ồn ã.
Cây lộc vừng nhỏ xíu gieo từ hạt cứ chen đá vươn lên mà sống
Nhìn thấy bụi chuối xanh, ta ngỡ như mình đang trở về thôn quê
Từ mảnh đất này, dòng họ Nguyễn Đông Tác đã "Nối đời học vấn" - ươm lên những mầm học vấn từ đời này qua đời khác.
Những bức tượng ngộ nghĩnh khiến ngôi vườn thêm vui
Bên cạnh phong vị xưa, ngôi nhà của thầy Trà còn pha trộn những nét hiện đại do ảnh hưởng từ những năm tháng bôn ba trời Tây. Nói đến đây, thầy lại vanh vách kể tên các phố phường Hà Nội xưa bằng tiếng Pháp do cụ thân sinh ngày xưa "bắt" học để rèn luyện khả năng ngoại ngữ cho thầy như Rue de la Soie (phố Hàng Đào), Rue des Pipes (phố Hàng Điếu), Route Mandarine (phố Lê Duẩn),... Đến tận bây giờ, nhiều nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa vẫn hay tìm đến thầy để tham khảo về phố phường Hà Nội thời trước 1954.
Phòng khách nhà của thầy Trà theo lối kiến trúc hiện đại. Hiện nay, tứ đại đồng đường của gia đình thầy đang cùng nhau sống ở đây.
Những lẵng hoa thơm đầy màu sắc khiến căn phòng sáng bừng và ngát hương giữa tiết trời đông âm u
Phòng bếp gọn gàng dưới bàn tay chăm sóc của những người phụ nữ trong gia đình
Tạm biệt ngôi nhà truyền thống và hiện đại trên đất cổ vua phong 600 tuổi, đọng lại trong chúng tôi là nụ cười và ánh mắt rạng ngời của người thầy tận tâm: "Có niềm vui nào bằng một việc làm mang hạnh phúc đến cho người bất hạnh. Có nụ cười nào tươi hơn là nụ cười dành cho những số phận hẩm hiu".
Xem thêm:
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet