Người mới tậu một căn hộ hay vừa xây xong một ngôi nhà, sẽ dễ dàng rơi vào tâm lý này: đi đâu cũng ngó nghiêng món nọ món kia, rồi tưởng tượng chúng được đặt vào góc nọ, góc kia trong nhà mình sẽ thế nào. Đó là khoảng thời gian ngôi nhà sống trong suy nghĩ, ước muốn, trí tưởng tượng của gia chủ nhiều nhất, nói nghe thì sến, nhưng có thể ví tình nhân sống trong mắt nhân tình.
Chưa có một chuyên gia tâm lý nào đi sâu nghiên cứu về những trận “say nắng” kiểu ấy (nhưng chắc rồi sẽ có thôi – biết đâu sau khi đọc xong bài báo này?!) Vì đây là giai đoạn quan trọng quyết định hành vi tiêu dùng cho nhà cửa; thời điểm người ta đầy hứng thú, sẵn sàng chi nhiều tiền bạc nhất để ngôi nhà hoàn thiện về mặt thẩm mỹ theo đúng mong muốn của mình.
Tạm gọi đây là thời điểm hiện thực hoá những hình dung về một ngôi nhà lý tưởng. Với những gia chủ lần đầu sở hữu nhà, thì đây là thời kỳ đầy son sẻ, việc săn sóc, mua sắm, trang trí là để thực hiện cái ước mơ về một chốn nương thân mà bấy lâu anh (chị) ta ấp ủ trong đầu và trải qua một hành trình bươn chải, tích góp, dành dụm để làm cho nó hiện hữu trên thực tế.
Vậy, ngay từ đầu, trong ấp ủ hay hình dung của gia chủ, ngôi nhà đã được “định dạng” từ lâu. Nó nằm đâu đó trong tính cách, trong lối tư duy, cách nghĩ của gia chủ về không gian sống. Và bây giờ, nó được tạo lập, định hình dần dần bằng xương cốt vật chất, bằng những chăm chút tỉ mỉ đến từng dạng vật liệu và bằng cuộc trình diễn đầy chi tiết của người sẽ gắn bó với nó. Nó mang vào mình một sức sống, một dáng dấp tinh thần rõ rệt hơn trong thế giới vật chất này.
Nhưng nói vậy cũng có nghĩa là, trong giai đoạn này, điều cần nhất với gia chủ đó chính là xác định được nhu cầu cần thiết, sự tỉnh táo nhất định để chống lại cơn tham lam vô bờ bến, thấy gì cũng đẹp, bạ gì cũng mua, như thể muốn ôm cả thế giới vào mình để rốt cuộc phải chi quá nhiều cho những món không phù hợp với ngôi nhà, có khi không sử dụng được.
Điều tệ hại nhất với những gia chủ quá nhiều ham muốn, không cưỡng được cơn say mê mua sắm đó là biến ngôi nhà thành một kho chứa những món linh tinh, lỉnh kỉnh chướng tai gai mắt. Một cây grand piano sẽ làm cho góc phòng khách toát lên vẻ sang trọng, lịch lãm, đôi khi giá cả không thành vấn đề với những gia chủ lắm tiền, nhưng nó sẽ thừa thãi và vô vị nếu chưa bao giờ được cất lên một nốt nhạc mà chỉ nằm đó đóng vai trò... trang trí để thoả cơn khát thèm sang trọng của gia chủ. Những giá sách bìa cứng khó nhằn, biểu tượng của đời sống tri thức trong gia đình ngày nay được nhiều người chăm chút, bởi so với những chùm đèn trang trí xuất xứ châu Âu hay những bộ thảm trải phòng, các bức tiểu hoạ nguồn gốc Arập, thì sách luôn rẻ và dễ kiếm hơn nhiều, nhưng liệu có cần thiết phải dựng nên một tủ kính sang trọng với chốt khoá đắt tiền để... cầm tù những cuốn sách, bắt chúng phải đưa gáy buồn bã ngó ra đời sống phù phiếm đỏm dáng diễn ra hàng ngày? Và dễ thấy nhất có lẽ là những bức tranh trên tường. Nhiều người sẵn sàng bỏ tiền ra mua những tranh chép với giá đắt về treo đôi khi cũng chỉ vì... bức tường đã lỡ thiết kế một bộ đèn soi tranh quá đắt giá...
Trong tất cả những trường hợp trên, ngôi nhà thay vì phóng chiếu tính cách, đời sống tinh thần của gia chủ, thì ngược lại, nó là nơi phô diễn sự hào nhoáng, phơi bày tính khoa trương, trưởng giả học làm sang của anh ta. Người buôn bán hàng nội thất cao cấp nếu nắm bắt được tâm lý háo thắng phù phiếm này của một thành phần khách hàng, hẳn sẽ tha hồ hốt bạc.
Bước vào ngôi nhà người chơi cổ ngoạn thứ thiệt, sẽ cảm nhận rất rõ mùi vị xa vắng của thời gian không chỉ qua các món đồ cổ mà còn qua những tủ, những bàn hợp nhất trong lối bài trí trầm mặc, thứ ánh sáng và hương thơm hoài niệm xa vắng. Bước vào ngôi nhà một ca sĩ trong thế giới biểu diễn, bạn ngửi thấy mùi son phấn tráng lệ của ánh đèn, của những gian trưng bày các tác phẩm, cả khoảng lùi thanh tịnh để thoát khỏi những thị phi.
Hãy chọn cho mình không gian sống thích hợp nhất, không nên chạy theo sự phô trương (ảnh minh họa).
Bước vào không gian sống của một đôi vợ chồng công nhân nhập cư, bạn sẽ thấy sự bộn bề lo toan thể hiện trên những mặt xoong nồi trong khu nấu nướng, sự tạm bợ của những vật dụng rẻ tiền, sự thiếu vắng trống trải ở những không gian chết, mà với gia chủ, đó là những góc chờ hoàn thiện vì điều kiện túi tiền khiêm tốn không cho phép họ mua sắm trang hoàng chỉn chu trong một lúc. Mỗi gia chủ mỗi cá tính, mỗi gia đình một nếp sống, sẽ tạo ra cho mình mỗi cách sắp xếp phù hợp, một không gian sống đặc thù. Gu thẩm mỹ, lề lối sinh hoạt, lịch sinh học của gia chủ cũng ảnh hưởng đến không khí ngôi nhà. Điều này chứng minh rõ ràng bằng cảm giác choáng ngợp, ngạc nhiên, thảng thốt khi bước vào một không gian sống quá ư khác biệt, nằm ngoài trải nghiệm thường ngày ở ngôi nhà thân quen. Và đơn giản, đôi khi nó nằm ở cảm giác trằn trọc khó ngủ khi chúng ta qua đêm ở một căn nhà lạ, gian phòng lạ.
Nói có vẻ trái khoáy, nhưng quả thật, việc mua sắm trang trí để hoàn thiện một ngôi nhà mới, căn hộ mới sẽ tốt hơn lên nếu túi tiền của gia chủ không quá dư dả, họ không quá tự tin kiêu hãnh để bị cái hứng khởi về một không gian sống lý tưởng, những phóng chiếu phù phiếm xa lạ cuốn đi hết showroom này đến showroom khác và kết cục là chết ngợp trong một không gian sống không thuộc về mình.
Bình tĩnh và biết cân nhắc luôn là một thái độ cần thiết. Lời khuyên đó không chỉ tốt cho túi tiền của bạn mà còn cho một không gian sống thoải mái, đích thực là mình. Không ít người đã vượt thắng cảm xúc ham hố mua sắm ban đầu đó bằng cách luôn miệng niệm chú: vừa sống, vừa xem, vừa sắm. Sống là tìm sự tương thích giữa nhu cầu và thực tế. Xem, là cân nhắc khả năng, đặc tính ngôi nhà sao cho phù hợp, hài hoà để mỗi vật dụng được mua về thực sự tìm thấy giá trị tối ưu của nó trong ngôi nhà của mình, để thấy và kiểm soát được “dụng ngữ” đầy trung thực của mình ở nơi đồ vật ấy.
Không gian sống là sự phóng chiếu tính cách gia chủ. Nó phóng chiếu cả sự chừng mực chỉn chu hay quá trớn, mất kiểm soát trước đời sống đang tràn ngập đồ vật của những con người sống trong đó.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet