Thương vụ là kết quả của những lần đàm phán bắt đầu từ tháng 1/2015. Giao dịch sẽ biến AOL, vẫn do Armstrong phụ trách, trở thành một bộ phận của Verizon. AOL tiếp tục quản lý việc kinh doanh riêng và “các tài sản phụ từ Verizon hướng đến truyền thông video và di động”.
Sau khi thương vụ được công khai, giá cổ phiếu AOL tăng 18% trong khi giá cổ phiếu Verizon giảm 1,3%, cho thấy các nhà đầu tư phấn khích với tin AOL bị thôn tính hơn là Verizon bỏ tiền ra mua.
Từng là công ty mang đến kết nối Internet đầu tiên cho nhiều người Mỹ, AOL hiện hoạt động chủ yếu với tư cách hãng công nghệ và truyền thông tập trung vào quảng cáo. Vụ mua bán ngay lập tức biến Verizon trở thành người chơi quan trọng trên thị trường quảng cáo trực tuyến, mang nhà mạng đến gần hơn với đối thủ Comcast, đồng thời thể hiện quyết tâm của Verizon trong quảng cáo và video di động.
Năm 2013, AOL chuyển hướng quyết liệt sang quảng cáo trực tuyến, đáng chú ý nhất là việc mua lại Adap.tv, một trong những nền tảng quảng cáo video trên mạng hàng đầu, với giá 405 triệu USD. Nhờ vậy, AOL có lợi thế cạnh tranh lớn hơn trên thị trường này trong bối cảnh quảng cáo hiển thị đang dần mất đi sức mạnh. Tuy nhiên, AOL vẫn đi sau Google khá nhiều trên mặt trận này.
Sau khi sáp nhập với Time Warner năm 1999, AOL đã bổ sung một số tài sản có giá trị, đặc biệt về truyền thông. Hãng đang sở hữu các tờ báo, blog nổi tiếng như The Huffington Post, TechCrunch, Engadget bên cạnh cổng thông tin AOL.com.
Armstrong trấn an nhân viên rằng mức lương của họ tại công ty mới “sẽ bằng hoặc tốt hơn tại AOL”. Đối với ông, việc Verizon mua lại công ty mang đến nhiều nguồn lực, nhiều hỗ trợ và cơ hội tăng trưởng hơn.
Theo ictnews
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet