Nội dung

Ít nhất 10 vụ cháy, nổ xe máy diễn ra trên địa bàn cả nước được các phương tiện truyền thông ghi nhận kể từ đầu tháng 10 năm nay. Mới đây nhất, ngày 13/12 chiếc Attila Elizabeth của anh Hoàng Minh Tuấn còn chỉ còn trơ khung sắt sau khi phát hỏa trên cầu Chương Dương vào giờ tan tầm.

Nguyên nhân phát sinh trong quá trình sử dụng

Chia sẻ những phán đoán về nguyên nhân xảy ra liên tiếp các vụ xe cháy, đa phần độc giả đều cho rằng, tia lửa tạo ra do chập điện đốt cháy xăng rò rỉ từ ống dẫn hoặc bình chứa. Độc giả Nguyễn Triệu Duy viết: “Phải xem lại các xe đó có sử dụng phun xăng diện tử EFI không. Trong môi trường xăng nén với áp suất cao của EFI thì rất dễ cháy khi có rò rỉ”.

 nguyên nhân cháy xe máy từ góc nhìn độc giả

Attila Elizabeth cháy ngùn ngụt trên cầu Chương Dương. Ảnh: Thanh Long.

Bạn The True  kể một tình huống thực tế: “Tôi nghĩ có thể do nguyên nhân lỗi ở bình chứa xăng. Anh bạn tôi có mua một chiếc Honda Air Blade, sau khoảng hơn một năm sử dụng, một hôm ở nhà thấy xăng bị rò rỉ chảy xuống, kiểm tra thấy bình xăng bị thủng. Đi hỏi mua ở cửa hàng Honda thì họ bảo phải đợi vài ba tháng. Anh sợ quá, sau mang đi hàn và bán chiếc xe đó đi rồi mua chiếc xe khác. Tuy việc làm của anh có thể làm rủi ro cho người khác, nhưng phải thấy rằng chất lượng xe cũng cần phải bàn đến, không thể đổ cho người sử dụng được”.

Độc giả Văn Chương lại nghĩ tới khả năng chuột cắn làm thủng ống dẫn xăng, đứt dây dẫn gây chập điện. “Cách đây gần một năm người hàng xóm của tôi đi xe Lead về đến cổng thì bị cháy, nguyên nhân là do chuột chui vào gầm cắn ống dẫn xăng. Chị tôi đi Click để trong sân chung cũng bị chuột vào cắn phá 2 lần. Nguyên nhân này rất khó điều tra khi xe đã bị cháy nổ”.

Hồng Nguyễn lại cảnh báo về nguy cơ túi ni-lông mắc vào xe gây cháy. “Gần đây, khi đang đi qua hầm Kim Liên, bỗng mấy người đi gần tôi hoảng hốt gọi và chỉ xuống gầm xe tôi đang đi, không hiểu chuyện gì xảy ra, tôi vội xuống xe và hú hồn khi thấy gầm, sát ống bô có túi ni-lông mắc vào đang bốc khói nghi ngút. Tôi vội giật túi ra và dập khói. Nếu hôm ấy không được mọi người chỉ và không xuống kiểm tra thì có lẽ tôi và chiếc xe của mình cũng có mặt trên trang báo này với dòng tít "xe tự bốc cháy"”.

Bạn Công Toàn cho rằng ngoài nguyên nhân chập điện, có một số người khi tham gia giao thông vẫn hút thuốc, tàn thuốc đổ theo gió bay vào người đi xe phía sau, nếu xe này rò xăng có thể sẽ bị cháy.

Theo luập luận của bạn Hải Đăng thì nếu lỗi do nhà sản xuất không thể có ít sản phẩm bị lỗi như vậy. “Một nguyên nhân rất cần nhắc đến là các bạn trẻ hiện nay thích đi bóng xenon, luxenon, led nên đã lên điện bình cho xe thay vì điện máy như ban đầu. Việc làm này đòi hỏi phải chế một số thứ về điện như đấu sạc attila, tách mass mâm lửa... Với một số thợ am hiểu về điện thì không vấn đề gì, nhưng gặp những thợ gà mờ thì việc đấu điện ẩu, đấu sai dây dẫn đến chập điện, ngắn mạch và cháy xe là điều hiển nhiên".

"Nguyên nhân do lỗi của nhà sản xuất là khó có thể xảy ra được, vì xe được lắp ráp theo dây chuyền, có quy trình kỹ thuật và thợ lắp ráp được đào tạo bài bản, nếu xảy ra sự cố thì sẽ xảy ra hàng loạt chứ không phải là một vài chiếc" như bạn Trần Quốc Đông nói.

Vì sao nhiều xe mới cháy đến vậy?

Hải K bày tỏ quan điểm: “Xe Airblade bị cháy vừa rồi còn rất mới, chưa được 2 năm, bởi vậy không thể bỏ qua lỗi của nhà sản xuất”. Độc giả Huỳnh Văn Trung đặt câu hỏi: “Hãy làm một phép so sánh nhỏ là xe trước đây và bây giờ. Sao không thấy xe trước đây cháy nhỉ? Chỉ toàn là xe sản xuất bây giờ?”

Nickname Toibo lý giải: “Theo tôi nghĩ, nguyên nhân có thể là do đoạn dây dẫn ngắn từ bình xăng lớn xuống bình xăng con. Ngày xưa, ở những chiếc Dream II, đoạn dây này được làm từ vật liệu cao su rất chắc và bền, xe sử dụng cả 10 năm mà đoạn dây này vẫn còn rất tốt, hơn hẳn những dây mới bây giờ.

Trong khi ở những xe đời mới của Honda, đoạn dây này rất hay bị thay do chất lượng xuống cấp sau khi sử dụng 1-2 năm. Đó chỉ là ví dụ nhỏ để thấy chất lượng xe Honda bây giờ như thế nào. Quá tệ! Vậy có phải người tiêu dùng VN đang sử dụng xe Honda với chất lượng ngày đi xuống! Mà lượng xăng rò rỉ qua đoạn dây này có nguy cơ gây cháy rất cao".

Ai là người hưởng lợi khi chất lượng xe đi xuống?

Nhà sản xuất sẽ bán được nhiều xe hơn nếu giá thành hạ dù chất lượng có đi xuống là quan điểm của độc giả Phạm Tuấn Việt. “Các nhà sản xuất tìm mọi cách đưa ra những sản phẩm thu hút người tiêu dùng bằng hạ giá thành sản phẩm, đồng nghĩa với việc chất lượng sẽ kém hơn. Dễ dàng nhận thấy điều này nếu mang so sánh Super Dream sản xuất vào những năm 90 với chất lượng của các dòng Wave hiện tại”.

Chung quan điểm trên, Phan Hòa cho rằng đó là hậu quả của việc thay đổi nguyên liệu trong sản xuất.

"Tôi từng làm QA trong tập đoàn lớn và lâu năm của Nhật (chi nhánh tại khu công nghệ cao HCM) và tôi biết cách các công ty Nhật thường làm. Đó là sau khi sản phẩm ra mắt và chiếm được thị phần thì việc tiếp theo là các công ty thay đổi nguyên liệu chọn loại rẻ hơn để tăng lợi nhuận.

Và sản phẩm sản xuất cho mỗi thị trường tiêu chuẩn sẽ khác nhau (tùy độ khó tính của khách hàng và cơ quan quản lý nơi đó), ví dụ sản phẩm sản xuất tại Việt Nam nhưng xuất sang thị trường Nhật tiêu chuẩn sẽ rất cao và việc kiểm tra cũng rất nghiêm ngặt kể cả về chất lượng lẫn tiêu chuẩn môi trường. Xuất sang châu Âu sẽ dễ hơn chút vì khách hàng châu Âu thoáng hơn và không truy tìm ngọn nguồn (ông sếp Nhật của tôi giải thích như vậy). Còn thị trường Việt Nam thì sao chắc ai cũng biết - dễ hơn rất nhiều so với châu Âu”.

Độc giả Trần Hảo đưa ra một dẫn chứng về bình xăng kém chất lượng: “Xe SCR của tôi mới mua đã hỏng bình xăng khi mới dùng được 1,5 năm. Tôi ra hàng thay bình xăng thấy bên trong rỉ hoen và rò xăng ra rất nhiều. Tôi hỏi cửa hàng thì thấy nói bình xăng SCR rất hay bị rò rỉ và kém... Tôi không hiểu sao bộ phận quan trọng vậy mà nhà sản xuất lại làm cẩu thả và chất liệu quá kém”.

Xe cháy không mang lại lợi ích lâu dài cho nhà sản xuất. Theo quan điểm của bạn Nguyễn Tiến Bộ, nhà sản xuất xe, đặc biệt là các hãng lớn đã mất rất nhiều công sức và vốn để xây dựng thương hiệu, không có lý gì họ lại tự tay hủy nó đi.

Xe cháy phải chăng do sử dụng xăng kém chất lượng?

Không chỉ có Honda, SYM cũng làm dài thêm danh sách xe cháy. Xe của Suzuki và Yamaha cũng bị cháy, đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là do yếu tố xăng dầu.

Dưa trên con số tổng kết sơ bộ về số vụ xe cháy trong thời gian gần đây, độc giả Trần Anh gợi mở nguyên nhân xe cháy có thể do xăng dầu.

“Nhìn tổng quát thì số vụ cháy trong năm năm được ghi nhận là 25. Tỷ lệ xe ga cháy 60 % nhưng tỷ lệ xe ga đang lưu hành còn cao hơn, bạn ra đường là thấy đa phần là xe ga. Xe Honda đang lưu hành cũng rất cao vì người VN vốn chuộng Honda ra đường ta cũng thấy đa số là xe Honda. Dòng xe Air Blade cũng là dòng xe đang được ưa chuộng (chạy nhiều trên đường).

Như thế nguồn gốc hay chủng loại xe không có gì bất thường, tuổi thọ xe cũng khá ngẫu nhiên. Đáng chú ý là số vụ cháy nổ năm nay tăng bất thường 13 bằng cả số xe cháy của mấy năm trước cộng lại. Vì thế có thể nguyên nhân nằm ở điều gì đó ở yếu tố mới xuất hiện ví dụ xăng xe không đảm bảo chất lượng chăng?”.

Bạn Nguyễn Tuấn phỏng đoán: “Thời gian gần đây tôi nhận thấy đổ cùng lượng xăng ở các cây xăng khác nhau thì đoạn đường đi được nhiều ít khác nhau rất nhiều (vẫn với cùng một phong cách lái xe). Có một khả năng rất cao là chủ các cây xăng hoặc người cung cấp xăng cho chủ các cây xăng đã nhẫn tâm pha tạp chất để thể tích xăng tăng lên cao”.

Dấu hiệu của sự cạnh tranh không sòng phẳng?

Chiếm thị phần lớn nhất ở Việt Nam, sản lượng xe vượt xa đối thủ, cái tên Honda gắn liền với khái niệm xe máy. Thời gian gần đây, số vụ cháy xe liên quan tới thương hiệu này không hề nhỏ thì doanh số bị tổn thương cũng là chuyện dễ hiểu. Nhiều người có ý định mua xe Honda giờ đây đang tìm kiếm những dòng xe khác.

"Tôi định mua xe Lead trong dịp Tết này nhưng thấy nhiều vụ cháy xe xảy ra nên lo ngại chắc không dám mua. Mong nhà sản xuất Honda đứng ra trấn an người dân đang sử dụng xe và có ý định mua xe yên tâm hơn. Sớm điều tra làm rõ nguyên nhân", là tâm tư của độc giả TNT.

Bạn Phi Hùng cho hay: “Tôi nhớ khoảng năm 1968-1969 gì đó, lúc đó hãng Honda và Suzuki vào thị trường Việt Nam gây sốt như bây giờ với dòng xe dame và 67-68 của Honda và M13-M15 của Suzuki. Ở Sài Gòn thời ấy lâu lâu xe Honda đang chạy tự bốc cháy cũng như bây giờ, rồi sau đó tới xe Suzuki cũng vậy. Sau đó vài năm thì dân mình biết đó là chiêu cạnh tranh của đối thủ đốt xe nhằm hạ uy tín của nhau”.

Thế Hoàng

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục

Tìm hiểu Honda Lead 125

Honda Lead 125 - sức hút từ sự cải tiến Động cơ nâng từ 110 lên 125 phân khối, tích hợp công nghệ tắt động cơ khi dừng quá 3 giây, nắp bình xăng tiện dụng khiến Lead thân thiện hơn dù vẫn còn nhược...

Xem thêm  

Honda 67 lạ mắt của thợ độ Việt Nam

Rũ bỏ vóc dáng hiền lành, chiếc 67 trở nên dữ dằn với mặt nạ trước, ống xả vắt cao, và nhiều trang bị hầm hố. Hầu hết các chi tiết của xe đều được làm mới theo phong cách môtô thể thao....

Xem thêm  

Chạy thử Super Dream 2013

Chạy thử Super Dream 2013: Không còn là giấc mơ đẹp Mẫu xe số "siêu giấc mơ" với động cơ 110cc vừa ra mắt của Honda Việt Nam sở hữu thiết kế lai tạp, không bắt mắt và động cơ mới cũng chưa thực...

Xem thêm  

Hình ảnh các thể loại xe đạp

Các thể loại xe đạp: Road bike Mountain bike Touring bike BMX buy Trials Ngoài ra còn một số biến thể khác như Tandem Fixed gear bike (Sài Gòn đang manh nha, hình như Hà Nôi chưa có) ...

Xem thêm  

Cơ bản về xe đạp

Không biết từ bao giờ xe máy đã thành 1 phương tiện ko thể thiếu đối với người Việt Nam.Nhưng không vì thế mà xe đạp mất đi nét đẹp của nó .Và thực sự ở đâu đó xung quanh các bạn vẫn có...

Xem thêm