Ông Jay Bhatia, Chủ tịch khu vực phía Tây - Hiệp hội Du lịch Ấn Độ (TAAI) cho biết, ít nhất 1.000 nhân viên tư vấn du lịch đã cam kết ngừng làm việc. Nhiều công ty lữ hành quốc tế lớn cùng các Hiệp hội khác như Đại lý Liên đoàn Du lịch ấn độ đều đồng loạt liên kết gây sức ép tới các hãng Hàng không và Tổng cục Hàng không Dân dụng.
Tâm điểm của vụ việc nằm ở chính sách không chi hoa hồng cho các đại lý vé máy bay có hiệu lực từ đầu năm nay. Theo đó, các hãng du lịch sẽ không được hưởng phần trăm hoa hồng từ việc bán vé máy bay như trước đây. Sau nhiều cuộc thảo luận giữa hai bên, chính sách này vẫn chưa có những biến chuyển thỏa đáng.
Công ty Du lịch Ấn Độ đóng cửa đình công. Ảnh: udaipurtimes.com |
Tình hình càng trở nên căng thẳng khi tuần trước Chính phủ cho phép các hãng hàng không được đưa ra các mức giá tách biệt đối với từng dịch vụ bay riêng bao gồm từ ưu tiên chỗ ngồi, lựa chọn thức ăn, đồ uống phục vụ trong chuyến bay cho đến kiểm tra hành lý. Một công ty du lịch Ấn Độ cho biết, các chính sách ưu đãi trực tiếp của phía hàng không với du khách đã cắt hẳn một khoản lợi nhuận họ hiện vẫn thu được từ việc làm đại lý vé máy bay.
"Cần bảo vệ quyền lợi của các nhà tư vấn du lịch và tránh ảnh hưởng tiêu cực từ chính sách mới tới việc kinh doanh, đe dọa sự sống còn của các hãng lữ hành. Chúng tôi yêu cầu điều chỉnh giá vé (đặc biệt là trong các ngày nghỉ và dịp nghỉ lễ dài) và đảm bảo việc các hãng hàng không phải minh bạch trong việc thiết lập giá vé máy bay", ông Bhatia cho biết.
Ông Bhatia ước tính, nhờ việc cắt hoa hồng cho các hãng lữ hành của thành phố Mumbai, các hãng hàng không sẽ thu được lợi nhuận khoảng 1 tỷ Rubi (18,2 triệu USD) mỗi ngày.
Các hãng hàng không lại cho rằng, họ xứng đáng nhận những chính sách mới này khi chi phí cao bất thường của nhiên liệu máy bay và các loại thuế 30 - 50% đang đe dọa sự sống còn của họ, nếu không có các nguồn thay thế doanh thu khác.
Hàn Hạnh Theo TTG
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet