Tết trung thu với người Việt Nam là cái tết lớn thứ 3 trong năm (sau Tết Nguyên Đán, Tết Hàn Thực và Tết Đoạn Ngọ). Theo phong tục, mỗi dịp Tết lại có những thứ bánh đặc trưng riêng gắn với những sự tích, nguồn gốc ra đời của của ngày Tết đó. Nhắc đến tết trung thu không thể không nhắc đến chiếc bánh nướng, bánh dẻo. Ngắm trăng thu mà không thưởng thức miếng bánh nướng, bánh dẻo thì thật là thiếu sót.
Theo phong tục người Việt, vào dịp tết Trung Thu, cha mẹ sẽ bầy cỗ, mua các loại bánh, hoa quả, đồ chơi trung cho con cái. Sau đó, cả gia đình quây quần bên nhau trông trăng. Ở Việt Nam, Tết Trung Thu không chỉ là ngày Tết đoàn viên mà còn là ngày Tết dành riêng cho thiếu nhi.
Thưởng thức bánh trung thu là vậy, nhưng ít ai biết được thứ bánh này lại có nguồn gốc từ Trung Quốc và được gọi là bánh Nguyệt. Theo sử sách ghi chép từ thời Ân, Chu ở vùng Triết Giang đã có loại bánh kỷ niệm Thái Sư Văn Trọng gọi là bánh Thái Sư. Bánh này có thể coi như là thuỷ tổ của bánh Trung Thu. Vào thời Tây Hán, Trương Thiên đi Tây Vực mang về Trung Quốc hạt Mè, hạt Hồ đào, dưa hấu làm nguyên liệu cho bánh Nguyệt thêm dồi dào. Thời đó hồ đào là nguyên liệu chính của bánh Nguyệt nên còn gọi là bánh hồ đào.
Đến thời Đường trong dân gian có những người hành nghề làm bánh, ở thành phố Trường An có những tiệm bánh trứ danh. Tương truyền có một đêm Trung Thu Đường Huyền Tông và Dương Quý Phi ăn bánh hồ đào, thuởng ngoạn trăng rằm, Đường Huyền Tông chê tên bánh Hồ nghe không hay nên đặt tên là Bánh Nguyệt cho thơ mộng hơn, nên từ đó về sau thứ bánh này có tên là bánh Nguyệt (tên người Trung Quốc đặt) và trở thành bánh Trung Thu khi du nhập vào Việt Nam.
Từ xưa đến nay, bánh trung thu ngày càng đa dạng, có rất nhiều loại bánh với các loại nhân đặc sắc khác nhau. Tuy nhiên, những người lớn tuổi, trung niên thì vẫn muốn thưởng thức thứ bánh nướng làm từ bột mì, bánh dẻo làm từ bột gạo nếp với lớp nhân thập cẩm bên trong, có chút lá chanh thái chỉ, thịt mỡ, mứt, hạt dưa,… Đêm trung thu, sau khi đám trẻ đi theo đoàn múa lân rước đèn khắp phố, cả gia đình ngồi bên nhau, ngắm trăng, thưởng trà, ăn miếng bánh, hàn huyên một vài câu chuyện xưa cũ, cha mẹ kể cho con cái nghe chuyện chú cuội, chị Hằng ngồi trước sân nhà ngắm trăng… Chỉ vậy thôi là đã đủ cho một mùa đoàn viên, một cái Tết trung thu ý nghĩa với bọn trẻ.
Bạn nghĩ sao nếu vào dịp Trung Thu bạn và người thân cùng nhau làm những chiếc bánh nướng, bánh dẻo…? Bọn trẻ sẽ tha hồ sáng tạo với những chú lợn, con cá chép từ bột nếp… Các mẹ, các chị khéo léo, chăm chút cho những chiếc bánh để mang biếu đấng sinh thành trong ngày tết đoàn viên. Từ ngày 14/9 đến ngày 18/9/2013 tại nhà A2 Triển lãm Giảng Võ, dự án cộng đồng Chợ Phiên của nhà Mẹt sẽ tổ chức “Lễ hội trông trăng” với rất nhiều hoạt động dân gian như làm bánh trung thu, làm đèn kéo quân, hát trống quân,...nhằm đẩy mạnh phát triển, nâng cao các giá trị truyền thống trong cộng đồng.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet