Đôi tay chai sần của người đánh cá lâu năm vơ lấy một bụi rong trong hồ rồi đưa vào miệng rùa. Không như vẻ chậm chạp bề ngoài, "lão" rùa đã gần 70 năm tuổi nhanh nhẹn há miệng đớp lấy những cành rong. Imade Karsa cười, hàm răng trắng bóng trên gương mặt đen sạm đặc trưng của người vùng đảo Java, lại móc tay vào mai rùa ở khoang cổ của nó rồi dùng sức bê lên khỏi mặt nước. Hơn 10 con rùa khác, có con lớn hơn cái mâm, có con mới bằng cái rổ, bơi lặng lẽ trong hồ đến sát bờ nghếch đầu lên nhìn. Chúng đều là những con rùa đi lạc, bị thương trôi dạt trên biển và được Imade cùng dân làng tìm thấy đưa về đảo chăm sóc nuôi dưỡng cho đến khi đủ sức khỏe để thả trở lại biển khơi.
Imade Karsa với chú rùa bị thương đang được chăm sóc tại đảo. Ảnh: P.A. |
Imade Karsa năm nay 45 tuổi, là người đầu tiên ở đảo rùa thuộc Nusa Dua, Bali, Indonesia, đứng ra kêu gọi dân vùng biển này bảo vệ rùa. Đây là vùng biển cách sân bay Bali khoảng 10 km. Dân nơi đây có tập quán đánh bắt, săn bắn và ăn thịt rùa, bởi điều kiện thổ nhưỡng và luồng biển thích hợp cho loài động vật bò sát này sinh sống. Có thời gian trữ lượng rùa ở Nusa Dua lên đến hàng trăm nghìn con, là nguồn sinh sống và thu nhập chính của người dân địa phương. Tuy nhiên do bị săn bắt nhiều, sản lượng rùa ngày càng giảm đến gần như tuyệt chủng nên đời sống ngư dân trở nên khó khăn.
"Năm 1990, chứng kiến cảnh những con rùa sắp chết, tôi chợt nghĩ tại sao không bảo vệ chúng cũng là để bảo vệ môi trường sống của chúng tôi", Imade Karsa nhớ lại những năm tháng khởi đầu của một trung tâm bảo tồn loài rùa ở Bali. Chàng trai khi ấy mới 20 tuổi bắt đầu đi thuyết phục chính quyền địa phương và người dân trong vùng cùng chung tay bảo vệ rùa. Người đàn ông chia sẻ rằng đã gặp rất nhiều khó khăn khi bắt đầu bảo tồn loài rùa: "Người ta bảo tôi điên, không đánh bắt giết rùa thì sống bằng gì".
Ban đầu một mình Imade lang thang khắp nơi tìm rùa mắc bệnh hoặc trôi dạt đến đảo và đưa về nhà chăm sóc. Anh cho rùa đẻ trứng, ấp nở con rồi đưa rùa con về biển và thả rùa mẹ về tự nhiên. Dần dần các thành viên gia đình cùng làm với Imade, sau đó cả làng đều chung tay chăm sóc rùa, hồi hộp cứu hộ rùa con và vui sướng khi thả chúng về biển. Số lượng rùa sống tại đảo ngày càng nhiều lên.
Con rùa lớn được người chăm sóc cho ăn rong. Ảnh: P.A. |
Đảo rùa trở thành trung tâm bảo tồn rùa thu hút khoảng 10.000 khách du lịch một tháng. Người dân trên đảo ngày nay thay vì đánh bắt lại là người bảo vệ chăm sóc rùa và làm hướng dẫn viên cho khách du lịch. Họ sắm những chiếc thuyền lớn gắn đáy kiếng chở khách từ bờ biển bên kia sang đảo tham quan rùa. Trên hành trình khoảng 15 phút vượt biển, thuyền sẽ dừng lại để du khách ngắm những chú cá nhiều màu sắc bơi lội giữa rặng san hô trong lòng đại dương.
"Dân làng từ đó sống bằng nghề du lịch với đảo rùa thay vì hàng ngày đưa thuyền ra biển đánh bắt hải sản, và chúng tôi hiểu rằng đã phát triển đúng hướng khi bảo tồn rùa", Imade nói. Trong khi Imade nói chuyện, những người phụ nữ hoặc thiếu niên trên đảo ôm các con rùa lớn thân mật mời du khách chạm vào con vật hoặc chụp hình với nó. Khách có thể tặng tiền hoặc không, mà không bị dân địa phương đòi hỏi.
Những chiếc thuyền đưa khách du lịch đến đảo rùa. Ảnh: P.A. |
Hiện Turtle Farm - tên gọi Imade Karsa đặt cho đảo rùa - có khoảng 50.000 con rùa sống tự nhiên, tùy theo mùa số lượng này có thể nhiều hơn. Khu vực này có 6 loài rùa sinh sống gồm: Oilve, Green, Hank Bill, Leather Beck, Logger Head, Flat Beck. Tên của nó thường do dân địa phương đặt căn cứ vào hình dạng đầu cổ hoặc mai rùa.
Imade Karsa đến nay vẫn là người đầu tàu trong việc bảo tồn loài rùa ở Turtle Farm, cùng với 50 gia đình khác trên đảo. Từ chỗ tự phát, đảo rùa đã có sự phối hợp hỗ trợ của chính quyền địa phương và là thành viên Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã thế giới. Những con rùa lớn trong hồ Imade đang chăm sóc chuẩn bị được thả về biển sau khi bác sĩ thăm khám và xác nhận đủ sức khỏe sống trong tự nhiên. Chúng đã ở Turtle Farm gần một năm qua.
Phan Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet