Người ta gọi đó là “ngôn ngữ của loài chim” hay “Kus dilli” trong tiếng bản địa. Lối liên lạc được hình thành từ 400 năm trước, khi những người nông dân làm việc trên các thửa ruộng nằm cheo leo qua những sườn núi thuộc rặng Pontic muốn biết tin tức của nhau. Dù có thể nhìn thấy bóng nhau nhưng thật khó để mọi người hét thành tiếng hay đi từ bên này qua bên kia. Bắt chước những tiếng hót của loài chim, họ bắt đầu huýt theo âm tiết của tiếng Thổ để truyền đi những thông điệp. Dân làng báo cho nhau về việc có khách lạ đang đến, nhờ vả giúp đỡ hay mời nhau sang uống trà. Họ còn có thể tạo nên nhiều đoạn hội thoại dài và phức tạp hơn chỉ bằng cách huýt sáo. Âm thanh truyền đi có thể vượt qua đến hơn 1 km. Nếu khoảng cách xa hơn, những người hàng xóm cũng có thể giúp làm cầu nối đến tận tai người cần gửi. Bởi vậy, nếu bạn thấy một người vợ trong bộ quần áo truyền thống, đầu trùm khăn đứng trên nóc nhà, cho một hoặc hai ngón tay vào miệng và huýt sáo líu lo thì có thể bà đang gọi chồng về dùng cơm chiều.
Turkeyect, một người dân làng Kuşköy, đang trò chuyện với hàng xóm bằng tiếng chim. Ảnh: Eurasianet. |
Từ năm 1986, làng Kuşköyđã có điện và những thanh niên trẻ bắt đầu hiểu về cuộc sống sôi động, quyến rũ ở thành thị. Họ quyết định chuyển đến đó và để những người già ở lại. Sau khi chiếc điện thoại di động đầu tiên xuất hiện, “ngôn ngữ của loài chim”cũng biến mất dần, một kết cục có thể hiểu được bởi sự có mặt của những công nghệ tiên tiến.
Làng Kuşköy thuộc quận Canakçı tỉnh Girensun do Mehmet Fatih Kahra làm chủ tịch. Ông tin rằng cần có những nỗ lực để gìn giữ thứ ngôn ngữ độc đáo này và phổ biến nó cho lớp trẻ. Ông Şeref Köçek, đứng đầu Hiệp hội Ngôn ngữ của loài chim – Bird language Asscociation, liên tục tổ chức lễ hội tại làng trong suốt 15 năm qua để giới thiệu về văn hóa và phương thức giao tiếp đặc trưng của người Kuşköy. Họ cũng hy vọng thu hút du khách và cổ vũ dân làng tiếp tục duy trì lối trò chuyện gần như có một không hai này. Những người như ông Ibrahim Kodalak, 45 tuổi, làm nghề trồng hạt hazelnut tham gia vào lễ hội mỗi năm với tư cách là thí sinh, ông phải nghe và trả lời từ vị giám khảo đứng đâu đó trên sườn đồi đối diện.
Khoảng 2.000 người góp mặt tại lễ hội của làng Kuşköy hàng năm. Họ luôn có những giây phút vui vẻ và hào hứng nhưng phần nào cũng buồn cho lớp người làng lớn tuổi bởi thanh niên quan tâm đến việc nhảy múa và ca hát nhiều hơn thay vì giữ truyền thống đã làm cho ngôi làng trở nên đặc biệt.
* Video: Ngôn ngữ của người làng Kuşköy
Hoài Nam
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet