Sản phụ bị bỏ mặc, chết tức tưởi ở Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ. Cháu bé sinh non còn sống lại bị Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam thông báo người nhà đưa về làm hậu sự. “Nhân bản” kết quả xét nghiệm cho hàng ngàn bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội…
Trước đó là những tai biến sản khoa xảy ra liên tục ở Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi, sự cố mổ thoát vị bẹn cho một bệnh nhi lại cắt cả bàng quang rồi việc hàng chục trẻ chết vì tiêm chủng vắc-xin Quinvaxem, viêm gan siêu vi B; tiêm sai quy trình, “ăn bớt” vắc-xin...
Những sai sót y khoa kéo dài, ngày càng nghiêm trọng làm cho bộ mặt của ngành y tế vốn đã “thiếu máu” nay trở nên nhợt nhạt hơn. Diện mạo ngành y khiến người dân âu lo, lòng tin giảm sút. Chính giám đốc Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam sau sự cố đưa cháu bé sinh non còn sống cho người nhà về lo hậu sự phải nhìn nhận: “Đó là điều đáng buồn, làm ảnh hưởng đến uy tín của bệnh viện và cả ngành y”. Còn giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức xem vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm hàng ngàn bệnh nhân là “vi phạm y đức nghiêm trọng”.
Đông đảo người nhà mẹ con sản phụ chờ ngoài nhà xác của BV Đa khoa Cần Thơ
Ai cũng hiểu tai biến y khoa hoàn toàn có thể xảy ra trong quá trình điều trị nhưng để những sai sót y khoa sơ đẳng như vậy thì không thể chấp nhận được. Đã có nhiều phân tích về nguyên nhân dẫn đến sai sót y khoa như tình trạng quá tải bệnh viện, trình độ chuyên môn của y - bác sĩ, khả năng giao tiếp… Trên diễn đàn Quốc hội cuối năm 2012, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng thừa nhận các tai biến y khoa như vậy là do sự thiếu sót của cán bộ ngành y tế và khẳng định “ngành y tế rất day dứt”.
“Đau lòng, day dứt” nhưng tình hình vẫn không có chuyển biến tích cực dù bộ trưởng kêu gọi thái độ hành nghề, kêu gọi y đức.
Chăm sóc y tế là một dịch vụ, người dân trả tiền để mua dịch vụ ấy. Họ có quyền được chăm sóc y tế tử tế. Thế nhưng, ở nhiều cơ sở khám chữa bệnh vẫn đặt nặng cơ chế “xin - cho”. Điều này khiến người dân không yên tâm với dịch vụ mình bỏ tiền ra mua.
Cách đây mấy ngày, UBND TP Hà Nội ra công văn yêu cầu các cơ sở y tế phải cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, phương án điều trị hợp lý, có hiệu quả để người bệnh lựa chọn cũng như dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp. Đồng thời phải giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán khi người bệnh yêu cầu... Ngành y tế suy nghĩ gì khi chính quyền địa phương phải can thiệp vào những quy trình chuyên môn đơn giản như vậy?
Không đổi mới quản lý một cách khoa học thì những sai sót y khoa như vậy sẽ tiếp tục xảy ra, ngành y tế sẽ phải ăn nói như thế nào với người dân hay chỉ biết “day dứt, đau lòng” và cuối cùng là... xin lỗi.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet