Đèo Hải Vân dài hơn 20km, đường qua đèo đã được xây dựng từ thời Pháp thuộc. Do địa hình phức tạp, độ dốc tương đối cao, đường quanh co liên tục với nhiều đoạn cua rất nguy hiểm, lại thêm hay sụt lở về mùa mưa, nên trước khi hầm Hải Vân được xây dựng và đi vào hoạt động, đèo Hải Vân là con đèo nguy hiểm bậc nhất Việt Nam, là nỗi lo cho bất kỳ tài xế, hành khách nào khi di chuyển qua khu vực này.
Nguy hiểm là thế, nhưng đèo Hải Vân đồng thời cũng được coi là con đèo nên thơ, hùng vĩ, tráng lệ bậc nhất Việt Nam với một bên là biển xanh mênh mông, thăm thẳm, một bên là núi non điệp trùng, cảnh sắc vô cùng ngoạn mục. Chẳng thế mà vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông, sau khi vi hành nơi này, đã đặt tên cho đèo là “Đệ nhất hùng quan”. Cái tên này sau đó đã được vua Minh Mạng cho khắc lên cổng đá trên đỉnh đèo.
Kể từ tháng 6/2005, hầm Hải Vân được hoàn thành và đưa vào hoạt động, làm cho giao thông giữa Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng trở nên thuận tiên, an toàn hơn rất nhiều. Bởi vậy, nơi đây được đầu tư phát triển thành cung đường du lịch. Các điểm dừng nghỉ trên đèo đã được xây dựng, tạo điều kiện cho du khách dừng chân nghỉ ngơi, thư giãn khi đi vãn cảnh trên đèo.
Đèo Hải Vân hướng TP Đà Nẵng.
Xe cộ phương tiện qua lại đèo Hải Vân giờ rất vắng vẻ, chỉ còn xe máy và một số ít loại phương tiện không được phép qua hầm đi lại trên con đường này. Với mặt đường còn khá tốt, đi lại dễ dàng, cảnh sắc hùng vĩ, nên thơ, lại là một con đèo nổi tiếng với lịch sử hàng trăm năm tuổi, nên đèo Hải Vân hấp dẫn dân du lịch bụi, dân phượt.
Một đoạn đèo từ trên cao nhìn xuống.
Một cột mốc ở lưng đèo Hải Vân.
Có chầm chậm phóng xe máy qua đèo một lần, và tận mắt ngắm nhìn cảnh đẹp nơi đây mới thấy cái tên “Đệ nhất hùng quan” quả thật xứng đáng.
Ở phía Nam của đèo, nhìn từ trên đèo xuống, TP Đà Nẵng hiện ra hiện đại, tráng lệ với những tòa nhà cao tầng, các nhà máy, ống khói vươn cao, nằm nép mình bên bờ biển xanh mềm mại, tỏa sáng như một viên ngọc trên biển đông.
Những tòa nhà cao tầng, những nhà máy vươn mình trên biển.
Ở phía Bắc đèo, thuộc địa phận Thừa Thiên Huế, đầm Lập An và làng chài Lăng Cô lại tạo nên một khung cảnh bình yên khác hẳn. Những ngôi nhà khang trang ngói mới soi mình xuống biển xanh thăm thẳm, những cồn cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ, vút cao ở lưng chừng trời là cầu lên hầm Hải Vân chạy thẳng vào lòng núi. Tất cả tạo thành một bức tranh nên thơ khiến du khách chỉ có thể đứng lặm ngắm nhìn…
Làng chài Lăng Cô đẹp như tranh vẽ.
Chạy dọc đường đèo, biển xanh sẽ luôn hiện diện trong tầm nhìn của du khách, khi thì trải rộng ra đến muôn trùng, khi lại ở rất gần, rì rào và xanh thẳm...
Làng chài Lăng Cô, cầu lên hầm Hải Vân nhìn từ chân đèo.
Ở những đoạn thích hợp, du khách có thể đứng ở trên đèo và nhìn xuống đoạn đường ngoằn nghoèo, gấp khúc mình vừa đi qua ở phía dưới, trông vô cùng ngoạn mục.
Toàn cảnh Hải Vân quan.
Trên Hải Vân quan.
Cổ kính Hải Vân quan.
Án ngữ trên đỉnh đèo là Hải Vân quan mà vua Minh Mạng đã cho xây dựng. Trên có cổng đá với dòng chữ “Đệ nhất hùng quan” Ngài đã cho khắc năm xưa. Hải vân quan đã được xếp hạng là di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây cũng là một điểm đến hấp dẫn du khách. Từ Hải Vân quan, có thể nhìn ngắm toàn bộ khung cảnh trên đèo.
Mùa mâm xôi dại trên đèo Hải Vân.
Du khách vui vẻ “tạo dáng” bên cột mốc chân đèo.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet