Đeo bám, ăn xin, chặt chém ở phố núi Sa Pa khiến nhiều du khách cảm thấy khó chịu, nhiều người cho biết không muốn quay lại nơi đây.
Phương Trang (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể lại, giữa tháng 10, cô có chuyến du lịch đến Sa Pa. Khi vừa bước ra khỏi cổng một khu resort nổi tiếng, cô bị một nhóm người ngồi sẵn ở đó xúm đông đến.
"Họ dúi vào tay các con gái tôi đủ loại sản phẩm thủ công như móc chìa khóa, túi đeo, vòng đeo tay bằng thổ cẩm. Hết người này đến người khác chèo kéo, nài nỉ cho đến khi tôi mua hàng hoặc cho tiền mới thôi", cô cho hay.
Nạn chèo kéo, đeo bám du khách diễn ra phổ biến nhất ở trung tâm thị trấn. Bất cứ đi đâu, vừa bước xuống xe hay ra khỏi khách sạn, quán ăn sẽ có cả người già lẫn trẻ lao đến để chèo kéo, nài nỉ du khách mua hàng.
Sa Pa hút hồn du khách bởi những thửa ruộng bậc thang ngút ngàn bồng bềnh trong mấy trắng. Nhưng nạn chèo kéo , đeo bám du khách gây ấn tượng không đẹp trong lòng du khách. Ảnh: Tò He |
Chị Thanh Hà ở quận Hoàng Mai cho biết vợ chồng chị cùng con gái đi dạo ở khu vực trung tâm, gần nhà thờ, thấy một bé gái khoảng 4 tuổi, cõng theo đứa em khoảng 3 tháng trên vai, cầm các túi thổ cẩm đem bán.
"Nhìn đứa bé mặt mũi bẩn thỉu, nhếch nhác, tôi thấy thương liền lấy tiền cho bé mà không cần mua sản phẩm. Nhưng chỉ khi vừa đưa tiền, từ đâu 3, 4 đứa trẻ cũng cõng theo em như thế bám vào xin khiến tôi cảm thấy khó xử", chị Hà cho hay.
Theo chị, thị trấn Sa Pa có khí hậu trong lành và mát mẻ, phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp nhưng nếu ngành du lịch không quan tâm đến nạn chèo kéo, đeo bám, nơi đây sẽ dần khiến du khách không muốn quay lại.
"Những người đi du lịch muốn được nghỉ dưỡng, họ rất thích những sản phẩm đặc sắc của địa phương. Nhưng chính cách chèo kéo, ép khách này sẽ khiến du khách mệt mỏi và khó chịu", chị Hà nói.
Dịch vụ quá tải và mất dần bản sắc văn hóa
Nếu như trước đây, Sa Pa được coi là thiên đường nghỉ dưỡng bởi khí hậu trong lành, yên tĩnh, khung cảnh hoang sơ, ngày nay, đến thị trấn vào những ngày cuối tuần, bạn sẽ thấy người đi lại đông đúc, tấp nập. Các khách sạn, nhà hàng, cửa hiệu mọc lên như nấm, san sát. Mỗi nhà mỗi kiểu, cao tầng với những ánh điện lung linh khiến Sa Pa rực rỡ, ồn ào.
Tuyến đường cao tốc mới thuận tiện nên du khách lên đây ngày càng đông và thường quá tải vào các dịp lễ, tết. Dù lượng khách đến đông nhưng cơ sở hạ tầng, dịch vụ không được cải thiện, chất lượng ngày càng kém. Các khách sạn hét giá cao gấp 2, 3 lần vào những ngày lễ, tình trạng cháy phòng xảy ra thường xuyên. Nhiều cơ sở, hàng ăn mọc ra nhưng chất lượng không tốt, giá đắt.
Khách nước ngoài bị "bao vây" bởi đội quân bán hàng. Ảnh: Tintuc |
Anh Thành, một du khách ở Hà Nội kể lại nhóm bạn của anh gồm 20 người vào một cửa hàng ở đường Cầu Mây để ăn lẩu cá hồi. Nhóm anh đặt 3 bàn ăn và thương lượng trước với chủ nhà hàng là 400.000 đồng/kg cá hồi.
Khi đĩa cá được đặt lên bàn ăn chỉ lèo tèo vài miếng, ở dưới đĩa được độn bằng rất nhiều rau. Nghi ngờ chủ quán không trung thực, một người trong nhóm đã đem cá đi cân. Ngay sau khi lớn tiếng phản đối với chủ nhà hàng, nhóm của anh mới được trừ tiền mà nhà hàng đã tính gian.
"Chúng tôi cảm thấy rất bức xúc khi bị lừa dối. Đây là một nhà hàng lớn mà còn làm vậy, không biết các chỗ khác sẽ còn thế nào nữa", anh Thành bày tỏ.
Ngoài việc hét giá cao, chặt chém, nhiều du khách đến Sa Pa còn phàn nàn nơi đây giờ khác hẳn với khoảng chục năm trước đây và đang dần mất đi các bản sắc văn hóa vùng cao.
"Nếu đến Sa Pa cách đây vài năm, bạn sẽ cảm nhận không khí khác hẳn. Giờ bạn sẽ không thấy những trai bản lả lơi trong tiếng khèn mời gọi bạn tình hay cô gái Mông e ấp bên chiếc ô xoay tròn nữa. Tất cả giờ đều mang một màu sắc thương mại", một du khách bày tỏ.
Du khách này cũng cho hay nếu tình trạng chặt chém, chèo kéo hay chất lượng dịch vụ... không được cải thiện, thì vẻ đẹp "lặng lẽ Sa Pa" sẽ biến mất, thay vào đó là sự xô bồ khiến nhiều người sẽ không muốn trở lại.
Trao đổi với VnExpress tại một hội thảo về du lịch tại Hà Nội, ông Trần Hữu Sơn, nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lào Cai cho rằng, khó giải quyết triệt để tình trạng người dân ở Sa Pa làm du lịch kiểu chèo kéo do đời sống của họ còn nghèo nàn, một phần bởi ý thức còn hạn chế. Để thay đổi thói quen này cần nhiều thời gian, thay đổi cả một quá trình nhận thức và ứng xử văn hóa của họ.
Anh Phương
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet