Nội dung

mỹ phẩm giả đang được nhìn nhận là một đại dịch toàn cầu. Tờ Cosmopolitan thống kê mới đây, một số sản phẩm như kem nền, chì kẻ môi và son môi... hiện là mặt hàng bị làm giả nhiều. Cũng theo nguồn tin này, một trung tâm thương mại ở Australia từng bị phạt 1 triệu USD vì bán mỹ phẩm giả. 

Bob Barchiesi, chủ tịch Liên minh chống hàng giả Quốc tế, cho biết: "90% các mỹ phẩm làm giả đều có xuất xứ từ Trung Quốc, nơi giá công nhân sản xuất rẻ và có hẳn một nền văn hóa sao chép". Theo ông, hải quan và cảnh sát biên giới từng không ít lần bắt những vụ vận chuyển mỹ phẩm lậu không rõ nguồn gốc có xuất xứ từ quốc gia này, nhưng đó có thể chỉ là phần nhỏ so với số lượng cuối cùng được tiêu thụ. 

Mỹ phẩm giả và mánh khóe trôi nổi trên thị trường

Một khu sản xuất mỹ phẩm của Trung Quốc.

Trên thực tế, hàng giả không những làm tổn hại đến hình ảnh cũng như lợi nhuận của các thương hiệu mà còn khiến người tiêu dùng lãnh nhiều hậu quả.

Mánh khóe mà các chủ sản xuất thực hiện là thu lượm bất kể mọi nguyên liệu dù độc hại, đem pha tạp để có mẫu mã giống hàng thật. Sau đó, hàng hóa tùy cấp độ làm giả sẽ được phân phối, trà trộn hợp lý. Nếu là hàng cấp thấp (hàng giả có mẫu thua xa hàng thật), chúng sẽ được phân vào các sạp ở chợ. Hàng cấp cao hay còn gọi hàng giả loại một - với mẫu giống 90% hàng thật - sẽ có mặt ở một số cửa hàng mỹ phẩm trên phố, hoặc trung tâm thương mại có sự kiểm soát kém.

David Farquhar, trưởng đơn vị giám sát đặc biệt của FBI, cho biết: "Mỹ phẩm giả có thể chứa nhiều thành phần độc, gây ung thư. Có thể người sản xuất không có chủ ý đầu độc, nhưng họ cũng không quan tâm đến việc bảo vệ sức khỏe cho những người mà họ lừa gạt".

Autumn, 21 tuổi, từng mua một cây mascara Laura Geller GlamLash với giá chỉ bằng một nửa ngoài cửa hiệu. Nhưng niềm vui mua được món hời không tồn tại lâu. Cô chia sẻ: "Mua về rồi, tôi để ý kỹ mới thấy chai mascara mất logo nhãn hiệu, còn phần lông chải lại không đều". Nhưng rồi cô vẫn dùng thử vì tiếc rẻ: "Những lông chải lộn xộn nên khi vừa chải lên, mắt bị xước như chà giấy nhám. Ngay sau đó, mắt tôi trở nên nóng rát và ngứa ngáy suốt 5 ngày sau đó". Khi đến gặp bác sĩ, Autumn mới biết mình gặp phản ứng phụ với hóa chất trong mỹ phẩm.

Theo báo cáo của FBI, vì người làm kém hiểu biết, không có nhiều kinh phí, mỹ phẩm giả được sản xuất trong điều kiện kém vệ sinh. Chúng có thể nhiễm vi khuẩn và các chất thải. Thậm chí người ta tìm thấy nước tiểu và vi khuẩn E. coli (thường có trong phân người) trong vài mẫu thử. Vì thế, người tiêu dùng có thể mắc phải từ mức độ nhẹ như mẩn ngứa, mề đay, mụn trứng cá cho đến trầm trọng như viêm da tiếp xúc, nhiễm trùng da, mắt... Theo bác sĩ da liễu Ranella Hirsch ở Massachusetts (Mỹ), việc tiếp xúc trong thời gian dài cũng gây ra nguy cơ không nhỏ đến các cơ quan trong cơ thể.  

Mỹ phẩm giả và mánh khóe trôi nổi trên thị trường

Mỹ phẩm thật có bao bì in trực tiếp mã code, có tác dụng truy nguồn gốc từ nước sản xuất, thậm chỉ là hồ sơ nhập hàng qua hải quan, nước đến. Trong khi đó, mỹ phẩm giả có mã code thường được in trên giấy rồi dán kèm bên ngoài.

Một số nhãn hiệu làm đẹp danh tiếng của Pháp, Mỹ sẵn sàng công bố các mặt hàng của họ bị làm giả, nhằm nâng cao ý thức người tiêu dùng. Còn hầu hết công ty đều từ chối đưa ra bình luận về vấn đề này. Bởi họ cho rằng động thái "vạch trần" sẽ gián tiếp thừa nhận thương hiệu của họ mất an toàn, có khả năng bị làm giả và tấn công. Thậm chí, một số người còn cho rằng việc tố cáo chỉ là cách để những thương hiệu quảng cáo, thu hồi lại phần lợi nhuận thất thoát. 

Buglisi Weiler, người phát ngôn của một thương hiệu mỹ phẩm uy tín Canada không đồng tình về cách nhìn nhận này và cho biết: "Đây không chỉ là vấn đề riêng của hãng nào cả. Đây là vấn đề về an toàn trong cộng đồng người tiêu dùng. Chúng ta không nói đến chiếc túi hàng nhái mà bạn đeo hàng ngày. Chúng ta đang đề cập đến những thứ bạn bôi lên da, trét lên mắt, thoa lên môi, những thứ có thể xâm nhập vào cơ thể".

Ba lưu ý khi mua mỹ phẩm

Giá cả: Nếu một món mỹ phẩm hàng hiệu có giá quá hời so với giá gốc, hãy cảnh giác đó là hàng giả. Tuy nhiên, hiện nay, những món hàng giả "loại một" được niêm yết với giá ngang ngửa hàng thật nhưng chất lượng không lường trước được. Nếu nghi ngờ, bạn cần kiểm tra thêm yếu tố bao bì và điểm bán hàng. 

Bao bì: Với mỹ phẩm hàng hiệu, lỗi in chính tả hay bao bì đóng gói bừa bãi, kém sắc sảo là điều không bao giờ được chấp nhận. Thêm nữa, bạn vẫn nên lưu ý tên gọi sản phẩm có thực sự hiện diện trong hệ thống của thương hiệu đó hay không. Việc mù quáng chỉ nhìn tên thương hiệu sẽ đánh trúng tâm lý của những người ham đồ hiệu giá rẻ.

Điểm bán hàng: Các hội chợ, hàng rong trên phố, các ki-ốt ngoài chợ trời, cửa hàng bán lẻ hay thậm chí những trang bán hàng như eBay vẫn là điểm lý tưởng để tiêu thụ mỹ phẩm giả. Đội ngũ chống hàng giả của một thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng từng đánh sập 110 trang web giả mạo hãng nhằm trục lợi khoảng 90 triệu USD của người tiêu dùng. Để thực sự tin tưởng, bạn nên tìm đến trang web chính thức của thương hiệu, tìm hiểu các chi nhánh chính thức trước khi mua hàng. 

Sao Mai

Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet

Cùng chuyên mục