Hồi đầu tuần này, một kết quả điều tra của Orb Media được đăng tải trên tờ Guardian đã cho thấy rằng trong những mẫu nước máy lấy từ khắp năm châu lục đều có sự hiện diện của những hạt nhựa siêu nhỏ. Từ New York đến New Delhi, từ điện Capitol của Mỹ đến hồ Victoria ở Uganda, tất cả chúng ta đều đang tiêu thụ nhựa theo từng ly nước.
Sự hiện diện của nhựa trong nước cũng đồng nghĩa với việc chúng có mặt trong thức ăn, và chúng ta đều biết sự tai hại của nhựa. Chúng không thể bị phân hủy, mà chỉ bị phá vỡ thành những hạt siêu li ti ở kích thước nanomet, và theo các nghiên cứu trong hàng chục năm qua, những hạt kích thước này có thể vượt qua thành hệ tiêu hóa và đi đến mọi bộ phận cơ thể.
Tỉ lệ % số mẫu nước bị ô nhiễm nhựa trên thế giới và số hạt nhựa trung bình trong 500 ml.Mỹ là nơi có tỉ lệ ô nhiễm hạt nhựa cao nhất khi chúng xuất hiện trong 94% mẫu nước, còn Đức và Pháp thấp nhất khi “chỉ” có 72% mẫu nước bị nhiễm hạt nhựa.
Sợi tổng hợp siêu nhỏ từ nước thải máy giặt dưới kính hiển vi.Nguồn gốc của những hạt nhựa trong nước cũng rất đa dạng. Theo Orb Media, khoảng… 1 triệu tấn mỗi năm đến từ sợi vải tổng hợp được giặt, mỗi lốp xe thải ra 20 gram khi chạy được 100km, bụi từ sơn, rác thải nhựa tổng hợp bị xả ra môi trường, các hạt li ti trong các sản phẩm sữa rửa mặt (bị cấm sử dụng tại Mỹ và Canada) và cả những hạt rơi ra khi da thịt va chạm vào quần áo bằng sợi tổng hợp.
Nguồn gốc của nhựa trong môi trường.Theo thống kê, trong 10 năm qua chúng ta đã sản xuất nhiều nhựa hơn toàn bộ lượng nhựa được sản xuất trong thế kỷ trước. Chỉ riêng năm 2013 chúng ta đã sản xuất 78 triệu tấn nhựa, và chỉ khoảng 10% trong số này được tái chế.
Kết cục của nhựa do chúng ta sản xuất ra.Trong phần còn lại, 4% tiêu hao trong tiến trình tái chế, 40% bị đem chôn, 32% được thải ra biển và phần còn lại bị đốt bỏ. Sang năm 2014, lượng nhựa được sản xuất là 311 triệu tấn, và con số này dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2050, và khi đó trọng lượng nhựa sẽ cao hơn trọng lượng của cá trong các đại dương.
Dự đoán về lượng nhựa trong đại dương và dầu mỏ tiêu hao để sản xuất chúng.Hậu quả của việc sử dụng nhựa và thải vô tội vạ ra môi trường còn thể hiện ở một điều khác: muối biển trên toàn thế giới đều đã bị nhiễm hạt nhựa. Các mẫu muối biển lấy từ Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Mỹ, Trung Quốc đều có sự xuất hiện của hạt nhựa, và các nhà nghiên cứu tin rằng nguồn gốc của những hạt nhựa trong muối đến từ khoảng 12,7 triệu tấn rác nhựa được thải ra các đại dương mỗi năm – tương đương với việc mỗi phút chúng ta đổ một xe tải nhựa xuống biển.
“Nhựa không chỉ có mặt khắp nơi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, mà chúng còn có mặt khắp nơi trong môi trường,” Sherri Mason, một giáo sư trường Đại học bang New York và dẫn đầu nghiên cứu về nhựa trong muối biển cho biết. Theo bà, nếu một người ăn 2,3 gram muối một ngày, họ tiêu thụ 660 hạt nhựa mỗi năm. Loại nhựa được tìm thấy phổ biến nhất trong muối ăn là Polyethylene Terephthalate, chất liệu được dùng để làm các loại chai nhựa.
Hai hạt nhựa màu xanh được bao bọc trong tảo biển dưới kính hiển vi.Hiện tại, ảnh hưởng của việc tiêu thụ hạt nhựa lên cơ thể người vẫn còn chưa được xác định. Các nhà khoa học không thể nghiên cứu vấn đề này bởi họ không thể tìm ra một nhóm người không bị nhiễm nhựa. “Tất cả mọi người đều bị nhiễm ở một mức độ nào đó, từ bào thai cho đến lúc chết,” theo các nhà nghiên cứu từ trường Sức khỏe cộng đồng Johns Hopkins Bloomberg và Đại học bang Arizona.
Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo: 93% nước đóng chai bày bán trên thị trường chứa hạt nhựa siêu nhỏ
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet