1. Trần mình lăn trên đất
Đây chính là nghi thức của Lễ hội Danda ở Ấn Độ trong những ngày đầu xuân nhằm tôn thờ vị thần Shiva tối cao của họ. Trong 13 ngày lễ nhân dịp năm mới Oriya, đàn ông Ấn thường để mình trần, vừa lăn một vòng quanh ngôi đền thờ thần Shiva vừa cầu nguyện cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Với những tín đồ Ấn Độ giáo, lễ mừng năm mới thường diễn ra vào các thời điểm khác nhau giữa các vùng miền khác nhau.
2. Chạy bộ tập thể
Nghi thức cuối cùng để chào tạm biệt năm cũ của người Brazil là việc thực hiện một cuộc chạy bộ tập thể truyền thống trên đoạn đường dài 15 km trước thời khắc giao thừa chuyển giao. Với ý nghĩa mong cầu một năm mới dạt dào sức khỏe và sự bình an, cuộc đua này thu hút đến hàng chục nghìn người dân tham gia.
3. Lễ hội té nước
Songkran là tên gọi ngày Tết cổ truyền của Thái Lan, các nghi thức thường được tổ chức từ ngày 13-15/4 dương lịch hàng năm, trong những ngày này người dân Thái có phong tục té nước vào nhau để cầu may mắn. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình sum họp, thể hiện sự đoàn kết. Songkran, là một từ có nguồn gốc Sanskrit và có nghĩa là di chuyển hay thay đổi chỗ, được dùng để chỉ ngày lễ mừng Năm Mới vì đó là ngày Mặt Trời chuyển chỗ trong quỹ đạo theo quan niệm của người Thái.
4. Khiêu vũ dưới ánh mặt trời
Từ năm 2004 cho đến nay, cứ vào ngày cuối cùng của năm, khắp các nẻo đường phố ở Johannesburg, Nam Phi, hàng nghìn người lại ùa ra đường để ôn lại năm cũ sắp qua và đón chào năm mới sắp tới bằng những vũ điệu cuồng nhiệt của người Brazil dưới ánh mặt trời chói chang, qua đó để tăng thêm tinh thần đoàn kết cho tất cả mọi người.
5. An ủi vong hồn
Diễn ra vào khoảng hơn 15 ngày đầu năm Âm lịch, Tết Losar của người Tây Tạng là một nghi lễ tôn giáo quan trọng, tồn tại từ trước khi Phật giáo du nhập vào đất nước này khi người dân còn tin theo tín ngưỡng Bon. Nghi lễ này nhằm an ủi các vong hồn, tôn thờ các vị thần thánh, đồng thời mang lại may mắn cho những người đang còn sống trong năm mới tiếp theo.
6. Tắm trong sắc vàng
Tại Peru, màu vàng luôn được xem là màu của may mắn và thịnh vượng. Bởi vậy, trong đêm giao thừa, mọi người thường mặc đồ lót màu vàng để mong cầu nhiều sự may mắn cho cả năm tiếp theo. Cũng theo quan niệm này, trong các hội chợ đầu năm, các pháp sư lại bận rộn với công việc thực hiện các nghi lễ tắm hoa vàng nhằm chúc phúc và cầu may cho tất cả mọi người.
7. “Mưa” hoa giấy, bóng bay
Triệu triệu bông hoa giấy và bóng bay được cho ‘phát nổ” và bay ngập tràn khắp nơi. Ngày 1 tháng 1 hàng năm, tại Quảng trường Thời đại ở thành phố New York, Mỹ, người dân nơi đây lại tụ hội đông đủ vừa để tặng nhau những câu chúc một năm mới an lành vừa để tưng bừng trong tiếng hát và màn triệu triệu bông hoa giấy và bóng bay được cho “phát nổ” và bay ngập tràn khắp nơi trong không khí hoan ca mừng năm mới.
|
Triệu triệu bông hoa giấy và bóng bay được cho “phát nổ” và bay ngập tràn khắp nơi |
8. Quay cầu lửa
Tại thị trấn ven biển nhỏ vùng cao ở Scotland, người dân nơi đây thường tổ chức ăn mừng ngày Hogmanay vào đêm giao thừa bằng màn quay vòng cầu lửa - một biểu tượng mạnh mẽ của mặt trời nhằm ban phát ánh sáng cho muôn loài cũng như xua đuổi tà ma trong đêm tối cho dương gian một khởi đầu may mắn, an lành trong năm tiếp theo.
9. Người Nga đón năm mới với cây thông Tết được trang hoàng lộng lẫy trong nhà
Tết là một trong những dịp lễ quan trọng nhất, bởi đây là ngày lễ của hạnh phúc và bình an. Người Nga luôn mong muốn được đón năm mới với cây thông Tết được trang hoàng lộng lẫy trong nhà.
Tại Thủ đô Mát- xcơ-va, Tết đến, một cây thông khổng lồ được đặt ở quảng trường cung điện Krem-li. Khi đến giao thừa, ông già Tuyết xuất hiện bên cạnh nàng công chúa tóc vàng diễm lệ, vai mang túi quà phân phát cho trẻ em và cùng nhau nhảy múa dưới cành thông. Ngày đầu năm mới, người dân có tục tặng bánh mì và muối cho khách quý.
10. Người dân đất nước Mặt trời mọc đi lễ chùa và cầu nguyện may mắn cho năm mới
Ở Đất nước Mặt trời mọc, Tết gọi là Osogatsu, là dịp gia đình quây quần, đoàn tụ.
Người Nhật đón Tết vào ngày 1/1 dương lịch. Đón năm mới, người Nhật thường treo một vòng rơm khô trước cửa nhà vì đó là biểu tượng của niềm vui và may mắn. Đêm giao thừa, để xua tan xui xẻo, người Nhật thường rung chuông 100 lần! Những ngày đầu năm, các cô gái được sai ra đồng hái nhiều loại cây cỏ. Đến mồng bảy Tết, chủ nhà đem nấu những lá "lộc xuân" đó với gạo thành món đặc biệt để ăn sáng. Tết ở Nhật Bản kéo dài tới hai tuần.
|
Hàng triệu người dân Nhật Bản cầu mong sự thịnh vượng. |
11. Tết của người Myanmar
Người Myanmar thường tổ chức Tết cổ truyền từ 14 đến 16 tháng 7 hàng năm theo lịch Myanmar để tỏ lòng tôn kính với các vị thần.
Vào ngày Tết, tất cả mọi nhà đều treo trước cửa những chiếc đèn lồng màu sắc rực rỡ vẽ hình các nhân vật trong các câu chuyện Phật giáo. Mọi người cũng mang đèn ra đường cùng ngắm. Đây cũng là dịp để người dân tổ chức các cuộc thi hát và dệt áo cà sa để đem lên chùa tặng cho các nhà sư. Trong thời gian diễn ra Tết Đèn, người dân Myanmar còn tổ chức cả những cuộc diễn giảng về lịch sử Phật giáo trong không khí thành kính.
12. Người dân Kenya xúng xính trong trang phục sặc sỡ đón Tết
Hình ảnh của những người dân bản địa trên đồng cỏ Savanna, Kenya xúng xính trang phục truyền thống đón năm mới. Những bộ lạc du mục này tồn tại hàng trăm năm qua trên thảo nguyên nằm xen giữa những khu rừng nhiệt đới và sa mạc. Chính tác động của đường xích đạo khiến thảm thực vật nơi này phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nước bởi vậy mỗi dịp năm mới, người dân nơi đây lại tổ chức những lễ tế để mong trời mang mưa tới nuôi sống cả một cộng đồng nơi đây.
Theo A Cưn
(Hôn nhân & Pháp luật)