Năm 2006, Kuoa Fong Lee lái chiếc Camry đời 1996 và gây ra va chạm chết người trên đường cao tốc khi đang trở về nhà từ nhà thờ. Năm nay 32 tuổi, người đàn ông Thái Lan di dân tới Mỹ vào 2004. Lee cho biết, khi tai nạn xảy ra, anh đã cố chạy chậm lại nhưng chiếc xe cứ tăng tốc.
Theo cảnh sát, lúc đó tốc độ chiếc xe khoảng 115-148 km/h và đâm phải chiếc Oldsmobile (mẫu xe của GM) chở 5 người. Người cha và cậu con trai 9 tuổi chết ngay tại chỗ. Cô bé 6 tuổi có quan hệ họ hàng bị gãy cổ và qua đời hơn một năm sau.
Mới lái xe được một năm trước khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra, Lee khẳng định rằng anh đã cố đạp phanh nhưng không ăn. Các chuyên gia được cử tới xem xét nhưng không tìm thấy điều gì bất ổn với hệ thống phanh. Bên nguyên buộc tội Lee đã nhấn ga thay vì phanh lại.
Một kỹ thuật viên chụp ảnh chiếc Camry gây tai nạn của Koua Fong Lee. Ảnh: AP. |
Luật sư của Lee, Brent Schafer, cho biết ông hy vọng sẽ có phiên xử mới diễn ra vào khoảng tháng 4. Đây là trường hợp đầu tiên, nhưng dường như chưa phải là cuối cùng, khi người bị buộc tội có cơ hội sớm được tự do với những chứng cứ bào chữa mới sau vụ triệu hồi (recall) của Toyota. Schafer nhận được liên lạc từ luật sư của hai trường hợp tương tự, một ở Oregon và một ở New Jersey.
"Thật bất ngờ khi một vị hội thẩm tin rằng Fong vô tình làm chiếc xe tăng tốc khi đạp chân ga, bộ phận trục trặc trên xe Toyota. Giờ đây, gần như là sự xúc phạm khi đổ lỗi cho các tài xế trong những vụ việc đó. Nếu còn có điều gì tốt đẹp trong chuyện này, đó là một người vô tội được trả tự do".
Theo tờ USA Today, tuần này, có tới ba vị hội thẩm dường như đồng tình với Lee khi phát biểu trên kênh Kare11 của đài truyền hình Minneapolis rằng nếu họ biết có khả năng do lỗi của chiếc xe, lời tuyên án trước đây có thể đã thay đổi.
Toyota vẫn chưa đưa ra bất cứ lời bình luận nào. Người thân của các nạn nhân cũng chưa lên tiếng.
Ôtô của Lee không trang bị hệ thống kiểm soát bướm ga điện tử, thiết bị là tâm điểm trong các vụ tranh luận về việc tăng tốc đột ngột của xe Toyota. Camry đời 1996 mang chân ga kiểu truyền thống, với bướm ga được điều khiển bằng dây cáp.
Tuy nhiên, một số Camry đời 1996 từng được triệu hồi do lỗi tăng tốc. Một thời gian ngắn sau khi có mặt trên thị trường, Toyota đã cho triệu hồi 5.145 chiếc vì bộ phận điều khiển hành trình không hoạt động khi "tài xế muốn giữ vững tốc độ, và có thể tăng tốc ngoài ý muốn".
Sean Kane, Chủ tịch của Safety Research & Strategies, công ty chuyên nghiên cứu, đầu tư, phân tích và giúp các luật sư bào chữa trong những vụ việc liên quan tới động cơ xe hơi và các sản phẩm an toàn, nói rằng ông đã đấu tranh trong thời gian dài để cộng đồng tin rằng hiện tượng tăng tốc đột ngột là vấn đề thực sự.
"Ý kiến của mọi người thường bị gạt bỏ trước sự ép buộc của luật sư, trước chính phủ hay các hãng sản xuất xe hơi. Tiếng nói của người tiêu dùng vẫn bị chà đạp. Nhưng giờ đây, lần đầu tiên, nó được đón nhận nghiêm túc".
Mỹ Anh
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet