Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết cổ truyền luôn mang một ý nghĩa đặc biệt. Và với những người con đất Việt ở xa xứ, Tết càng thiêng liêng hơn khi đây là thời điểm người ta nghe được tiếng gọi từ nguồn cội, thổn thức nhớ về những kỷ niệm xưa và trăn trở về trách nhiệm gìn giữ những giá trị bản sắc.
Có lẽ vì vậy mà dù có nhiều khó khăn, những người Việt Nam ở nước ngoài vẫn cố gắng vun vén một cái Tết đủ đầy nhất trong khả năng có thể, trước là thể hiện tình yêu quê hương, sau là giáo dục thế hệ sau về truyền thống dân tộc. Chị Kim Hiếu (quê Phú Mỹ, Bà Rịa) đã có 8 năm theo ông xã người Mỹ sang xứ cờ hoa định cư. Vậy mà, ngày Tết nào của chị cũng đầy đủ như khi còn ở quê nhà, với nhà cửa được trang hoàng mang đậm màu sắc Việt Nam, có đầy đủ câu đối, bao lì xì, hoa quả,...
Chị Kim Hiếu tự tay trang trí nhà đón Tết.
Mỗi năm đều trang hoàng nhà đón Tết
Trang trí nhà đón Tết là cách để chị Kim Hiếu "vẽ" nên ký ức Việt Nam cho cậu con trai. Chị chia sẻ: "Từ khi sang Mỹ đến nay, chỉ có cái Tết đầu là mình không trang hoàng nhà cửa đón Tết, vì lúc đó mới sinh em bé xong, chồng lại đi công tác không có nhà, em bé mới vừa ra tháng nên mình không có thì giờ làm gì nhiều. Chỉ tranh thủ nấu mâm cơm chay đơn giản cúng giỗ ba thôi, vì giỗ ba ngay 28 Tết.
Nhưng sau đó thì năm nào mình cũng đón Tết theo truyền thống Việt Nam mình, một phần là cho mình đỡ nhớ, một phần là cho con. Trẻ con như một tờ giấy trắng, mình có thể vẽ lên đó cho con một tuổi thơ đẹp. Mình không thể dạy con về văn hoá Việt Nam nếu mình không thực hành nó. Khi bạn còn bé, đôi khi mình không cần dạy, những gì mình làm sẽ tự nhiên đi vào ý thức của con và trở thành ký ức rất tự nhiên".
Ông xã chị Kim Hiếu luôn trân trọng những truyền thống quê vợ.
Ông xã chị Kim Hiếu hoàn toàn ủng hộ vợ trong việc trang trí nhà Tết và còn hoà mình vào những phong tục tập quán của Việt Nam. "Ông xã hoàn toàn ủng hộ, anh rất tôn trọng văn hoá của quê vợ, và anh luôn hoà mình vào đó như một phần cuộc sống của anh. Anh biết thắp nhang bàn thờ, biết tục lì xì đầu năm, và anh rất vui vẻ dẫn mẹ con đi lễ chùa dịp Tết, chụp ảnh gia đình, rồi lì xì chúc tuổi. Gần như những điều đó đã trở thành quen thuộc với anh từ rất lâu", mẹ Việt hạnh phúc bộc bạch.
Trang trí nhà trong vài ngày, bàn thờ gia tiên đầy thành kính
Năm 2022 vừa qua đánh dấu nhiều cột mốc với gia đình chị Kim Hiếu, là năm chị dọn về nhà mới, cũng là năm chị trải qua mất mát người thân quá lớn. Sau khi trở về Việt Nam dự đám tang, chị Kim Hiếu chọn một góc trang nghiêm để thờ cúng. Đây cũng là khu vực được mẹ đảm chăm chút tỉ mỉ nhất.
Chị Kim Hiếu bộc bạch: "Năm nay, gia đình mình có nhiều thay đổi và vừa trải qua một mất mát lớn. Mình dọn sang nhà mới vào giữa tháng 9, thì mẹ mình ở Việt Nam qua đời cuối tháng 9 vừa rồi. Sau đám tang ở Việt Nam, mình về lại Mỹ sắp xếp lại nhà cửa và chọn một góc trang nghiêm làm nơi thờ ba mẹ. Mình muốn dù ở đâu, thì vẫn giữ được truyền thống và nguồn cội cho mình và cho con cháu sau này nữa".
Khu vực thờ tự trang nghiêm, tràn ngập lòng thành kính.
Mẹ đảm trổ tài tự viết câu đối.
Tại góc thờ trang nghiêm, mẹ đảm chưng hoa rồi treo câu đối Tết. Câu đối là do chị tự lên mạng học cách viết thư pháp để treo trang trí Tết trong nhà. Nhìn không gian thờ tự trang nghiêm mà ấm cúng, dường như thấy được một góc Việt Nam giữa lòng nước Mỹ.
Năm nay Tết đến sớm, ngay sau Noel, chị Kim Hiếu đã bắt tay dọn dẹp và trang trí nhà đón Tết. Ngoài tự viết câu đối, mẹ đảm mua thêm đồ trang trí ở chợ Việt và mang một số món đồ từ Việt Nam qua như pháo, chậu mai, đèn lồng,... Còn lại chị tự tay làm trong 2 - 3 ngày, nên không quá tốn kém. "Khuôn viên căn nhà cũng không lớn lắm, khu vực phòng khách và phòng thờ gần bên nhau, mình trang trí 2 phòng này thôi, khi vừa bước vào nhà là đã thấy Tết, và thấy cả Việt Nam ở đó", mẹ đảm chia sẻ.
Mỗi góc nhà đều được trang hoàng mai, đào, bánh chưng xanh, câu đối đỏ,... tái hiện trọn vẹn không khí Tết cổ truyền Việt Nam.
Dưới sự dạy dỗ của mẹ, con trai chị Kim Hiếu dù lớn lên ở Mỹ nhưng vẫn hiểu rõ và gắn bó với phong tục ngày Tết Việt Nam. Mẹ Việt cho biết: "Con trai mình năm nào cũng thấy Mẹ chuẩn bị Tết, nên bạn ấy đã rất thân thuộc. Năm nào mình cũng gói bánh tét, và giải thích cho bạn nghe về nguyên liệu làm bánh, kể bạn nghe ngày nhỏ mẹ cũng phụ ngoại làm bánh như bây giờ, nên bạn cũng hào hứng. Hôm trước lúc mẹ chuẩn bị gói bánh, bạn đi học về, thấy thì bạn hỏi: "Mommy, are you making bánh Tết? Can I help you?" (Mẹ ơi, mẹ đang làm bánh tét ạ? Để con giúp mẹ nhé? - PV). Mình vui lắm khi nghe con hỏi vậy, vì mình biết, định nghĩa về Tết của con đã hình thành trong tâm thức. Có bánh tét, có hoa, có áo dài, có lì xì là có Tết rồi".
Không chỉ trang trí nhà cửa, mẹ đảm còn "gieo" vào con trai nhiều phong tục tập quán và văn hoá Việt Nam.
Dù xa cách quê hương bao lâu, gốc rễ cội nguồn vẫn luôn bám chặt và sinh trưởng trong tâm hồn chị Kim Hiếu, trong từng phong tục tập quán, câu đối, tiểu cảnh,... nơi góc nhà. Để từ những điều nho nhỏ đó, chị dạy con về cội nguồn to to, về cái Tết đặc trưng mà bao thế hệ cùng vun đắp và gìn giữ.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet