Vì mê cỏ cây hoa lá, muốn cung cấp cho bữa ăn gia đình nguồn thực phẩm tươi sạch mà nhiều gia đình đã trồng rau. Cũng vì điều đó mà ngay sau khi có nhà riêng vào năm 2016, chị Giang (42 tuổi, giáo viên tại huyện Yên Định, Thanh Hóa) đã bắt đầu làm vườn.
Chị trồng hoa, các loại hoa theo mùa và hoa hồng ngoại, hồng cổ ở khoảng vườn trước sân. Tuy nhiên, chị băn khoăn mãi vì không trồng được rau ăn. Vì thế khi dịch Covid-19 bùng phát, hai vợ chồng chị Giang đều nghỉ làm nên chị quyết định làm vườn trên sân thượng.
Chị Giang.
Mẹ 2 con cho biết, sân thượng nhà chị rộng hơn 100m2, nhưng chị chỉ dùng khoảng 50m2 để trồng rau, vì trồng phục vụ nhu cầu gia đình là chủ yếu. Để làm vườn, chị Giang sử dụng thùng xốp để trồng vì nó nhẹ và giá rẻ, độ bền được khoảng 5-6 năm.
Về đất trồng, hai vợ chồng chị Giang tự ra cánh đồng trước nhà, chở đất ruộng về rồi mua thêm phân hữu cơ, trấu và xơ dừa về tự trộn đất để trồng rau. Cụ thể, chị trộn đất theo tỷ lệ 50% đất ruộng : 20% phân bò hoai mục : 20% trấu : 10% xơ dừa, và bổ sung thêm phân NPK 15-15-15, lân và vôi bột.
Khu vườn trước sân nhà chị Giang.
Kệ sen đá do chị Giang tự tay tạo nên.
“Trước khi trộn đất, tôi sẽ nhặt sạch cỏ, rác và tàn dư trong đất rồi phơi khô. Sau khi trộn đất xong, tôi ủ đất khoảng 1 tuần cho hết sâu bệnh, sau đó hoà tricodermar tưới đẫm đất rồi để 1 tuần nữa thì trồng cây. Vì tận dụng thùng xốp và những vật dụng có sẵn hoặc rẻ tiền nên chi phí làm vườn không đáng kể”, chị Giang cho hay. Sau khi trộn đất xong xuôi, hai vợ chồng chị Giang cho đất vào các bao tải rồi vác lên sân thượng tầng 2.
Giàn bầu trước sân vườn.
Về hạt giống, chị tham khảo trong các hội nhóm trồng rau, tìm chỗ uy tín để mua những loại hạt giống chất lượng. “Vốn có kinh nghiệm trồng hoa trước đó nên việc bắt tay vào trồng rau cũng không khó khăn gì nhiều. Mùa nào tôi trồng loại cây đó. Ví dụ như mùa hè ngoài rau ăn lá, tôi còn trồng bí, mướp ngọt, mướp đắng và dưa. Mùa đông thì trồng su hào, bắp cải, cà chua, hành, tỏi, đâu leo, xà lách, mùi, thì là,...
Để tận dụng tối đa diện tích trồng rau, tôi còn chia khu làm giàn trồng các loại cây leo giàn, và khu trồng rau ăn lá, cây thấp. Bên cạnh đó, tôi còn tham khảo, học hỏi thêm kinh nghiệm trồng rau từ các anh chị em khác trong các hội nhóm trồng rau sạch”, chị Giang chia sẻ.
Cà chua thu hoạch trên sân thượng.
Vì trồng rau để cung cấp cho nhu cầu gia đình, nên nữ giáo viên chọn trồng rau theo phương pháp hữu cơ. Chị chỉ trộn phân bón hoa học khi làm đất, còn trong quá trình chăm sóc rau, chị dùng các loại phân bón hữu cơ tự lên men từ cá, đậu chuối, trứng, sữa, rác thải nhà bếp...
Để phòng các loại sâu bệnh, mẹ đảm thường dùng nước vôi trong, chế phẩm tricodermar, chế phẩm bio-b, hoàn toàn không dùng thuốc hoá học. Nếu cây sâu bệnh nhiều quá, chị sẽ nhổ bỏ để ủ lại đất.
Ngoài ra, để có rau sạch ăn quanh năm, rau củ phát triển tươi tốt thì chị Giang còn có một bí quyết nữa là luân canh cây trồng, không được trồng 2 vụ liên tiếp cùng một loại cây. “Ví dụ, đất sau khi trồng cà chua và dưa thì nên trồng cây họ đậu, họ cải, hành tỏi, cây gia vị, và ngược lại. Và thêm một điều cơ bản để cây luôn khoẻ đó là sân thượng phải đầy nắng gió để cây được đón nhiều năng lượng mặt trời”, chị Giang khuyên.
Ngoài trồng rau làm vườn, chị Giang còn nuôi gà.
“Vườn mang tới cho tôi mừng bữa ăn ngon và lành, nhờ đó sức khỏe gia đình cũng đảm bảo, ăn uống yên tâm hơn. Đó cũng là nơi để các con tôi hòa mình với thiên nhiên, tránh xa các thiết bị điện tử. Mỗi khi có thời gian, con sẽ giúp mẹ tưới rau, bắt sâu. Chồng cũng phụ giúp tôi một số việc như trộn đất, khuân đất lên sân thượng,… nhờ đó, mảnh vườn còn giúp tình cảm gia đình thêm gắn kết hơn”, chị Giang bộc bạch.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet