Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, ký ức về khu vườn nhà xanh mướt luôn là nguồn cảm hứng của chị Võ Thị Ngọc Ánh (SN 1990, nhân viên văn phòng). Vì thế khi lên Sài Gòn sinh sống và làm việc, 9X luôn nghĩ về ngôi nhà có khu vườn nhỏ và cố gắng để thực hiện nó.
Chị Ngọc Ánh bên cạnh giàn dưa hấu.
“Mình bắt đầu làm nông dân phố với vài chậu rau nhỏ và sau đó niềm đam mê lớn dần theo năm tháng nên mình cải tạo lại sân thượng để trồng nhiều loại cây.
Thời gian đầu mình gặp rất nhiều khó khăn từ khâu khuân vác đất, phân, vật tư lên sân thượng đến không có kinh nghiệm chăm sóc nên rau quả sâu bệnh, mất mùa… Trải qua những năm tháng chăm chỉ trồng trọt và học hỏi kinh nghiệm từ các anh chị, bạn bè, các hội nhóm thì mình đã có được kho báu là khu vườn xanh tươi, bốn mùa hoa trái trĩu cành”, chị Ngọc Ánh chia sẻ.
Vườn dưa hấu nằm gọn gàng khiến nhiều người thích mắt.
Chị Ngọc Ánh trồng rau quả theo mùa, đến nay chị đã chinh phục được nhiều loại cây trái khác nhau như các loại rau xanh, cà chua, dưa lưới, dưa vàng, dưa gang,… Và có một loại quả không thể không kể đến chính là dưa hấu. Chị cũng trồng đủ loại, từ dưa hấu ruột đỏ đến dưa hấu ruột vàng,…
“Nhà mình rất thích dưa hấu nên đây là loại quả mình trồng nhiều nhất vườn. Dưa hấu cũng có nhiều loại đa dạng: dưa hấu ruột đỏ, ruột vàng, ruột cam…với nhiều hình thức vỏ sọc, vỏ đen…”, mẹ đảm cho hay.
Video: Vườn dưa hấu Hắc Mỹ Nhân trên khu vườn sân thượng nhà chị Ngọc Ánh
Thành công với nhiều vụ dưa hấu, dàn quả sai nằm gọn gàng ngăn nắp với vị ngọt thanh mát, chị Ngọc Ánh không ngần ngại chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm trồng trọt của mình từ xử lý đất trồng, ươm hạt đến chăm sóc và phòng bệnh.
Dưới đây là quy trình chị Ngọc Ánh trồng và chăm sóc các loại dưa hấu:
Bước 1: Xử lý đất trồng
Về đất trồng dưa hấu, chị Ngọc Ánh trộn đất theo tỷ lệ 40% đất thịt, 30% (tro trấu, vỏ đậu, xơ dừa đã qua xử lý…), 30% phân (trùn, bò, gà, dê, dơi…), 1 muỗng lân. Trộn đều đất, tưới đẫm và đậy kín ủ đất trong 20 ngày.
Sau đó mở ra đảo đều, tưới nước cho đất nguội. Hôm sau tưới đất bằng viên Nanogro đã sinh khối và tiến hành hạ cây con.
Sau mỗi vụ thu hoạch xong, tiến hành đảo đất với vôi nông nghiệp để từ 7-10 ngày cho khô đất rồi bổ sung các loại phân bón như trên.
Bước 2: Ươm hạt
Hạt giống dưa hấu ngâm vào nước ấm (2 sôi, 3 lạnh) khoảng 6 tiếng, vớt ra ủ vào khăn ẩm bỏ vào hộp đậy kín. Sau khoảng 24 tiếng mở ra kiểm tra và tiến hành ươm hạt nảy mầm.
Giá thể ươm hạt trộn theo tỷ lệ 70% đất sạch, 30% phân trùn quế.
Khi ươm hạt, hãy cho giá thể ươm hạt vào ly ươm, bỏ hạt vào và lấp một lớp đất mỏng 2cm, phun nước ẩm để chỗ mát. Khi cây nhú lá mầm thì đem ra ngoài nắng cho cây phát triển, tưới nước ẩm hằng ngày. Sau 7 – 10 ngày tiến hành hạ cây.
Bước 3: Chăm sóc cây dưa hấu
Chị Ngọc Ánh cho biết, tùy vào giai đoạn sinh trưởng của cây mà sẽ có cách chăm sóc sao cho phù hợp. Cụ thể, với giai đoạn cây con, sau khi cây dưa hạ 3-4 ngày cần tưới humic, kích rễ liều loãng.
Sau 7 ngày hạ thổ, bắt đầu tưới phân các loại: đạm cá, đậu tương, phân dơi, rong biển, humic liều loãng 200ppm luân phiên 3 ngày/lần.
Cây hạ 10 ngày, phun phòng bọ trĩ bằng Minecto, Radiant, Confidor...hoặc các loại vi sinh như: Bio B, Bio + Neem Oil, Emi BT + Emi Oil, KID…
Khi dưa được 5-6 lá, tiến hành ngắt ngọn, nuôi 2 chèo khỏe để leo giàn. Quấn dây dưa hằng ngày, ngắt bỏ các chồi nách mọc ra từ thân dưa, ngắt bỏ hoa cái đến lá 18. Đồng thời, lúc này cần phun phòng nứt thân xì mủ, chảy nhựa bằng Revus Opti, Alpine…
Trong giai đoạn trước khi thụ phấn, khi dưa được 8 lá thì tăng liều lượng các loại phân bón hữu cơ lên 300 - 400ppm luân phiên 3 ngày/lần. Tưới thêm set phân mix 600-800ppm 5 ngày/lần giúp thúc dây dài, chuẩn bị lấy bông.
Khi dưa hấu được khoảng 15 lá, ngưng bón đạm cá, thay vào đó cần tăng lượng phân dơi, rong biển, humic. Phun Canxi bo + Rong biển, vi lượng giúp hoa nở đều, tăng tỷ lệ thụ phấn. Để hoa cái từ lá thứ 18 trở lên.
Trong giai đoạn thụ phấn, tuyển trái, cần thụ phấn cho hoa vào buổi sáng từ 5 - 8h. Lưu ý trong giai đoạn này giảm nước và không phun, tưới các loại phân thuốc. Sau khi thụ phấn, hãy bọc hoa cái lại tránh ruồi vàng chích.
Sau 4-5 ngày trái lớn bằng quả trứng thì bắt đầu tuyển trái. Mỗi gốc dưa để 1 trái, chọn trái tròn đều, cuống to, thẳng. Tỉa bỏ hết chèo và ngắt ngọn sau khi lấy trái 4 - 5 ngày, vị trí ngắt ngọn cách trái 5 – 6 lá. Bọc trái bằng túi vải chuyên dụng
Trong giai đoạn này, nên phòng nhện đỏ, bọ phấn cho cây dưa hấu bằng các chế phẩm vi sinh Bio B, Bio + Neem oil, Emi BT, KID… Phòng bệnh sương mai, thán thư bằng các chế phẩm vi sinh như Emina P,… tưới gốc Tricho hàng tuần.
Ở giai đoạn nuôi trái lớn, tạo ngọt, Từ 5 – 15 ngày sau thụ trái, trái sẽ lớn nhanh nên cần tưới hằng ngày các loại phân: đạm cá + đậu tương, dơi + rong biển, humic, trứng sữa 500-600 ppm. Mỗi tuần tưới kèm theo set phân mix 1200 – 1400ppm 5 ngày/lần. Đồng thời cần phun Canxi bo, vi lượng để quả lớn tròn đều.
Từ 15 ngày sau thụ trái, ngừng bón phân mix, đạm cá, thay vào đó cần tăng phân tạo ngọt (phân trứng sữa, dịch chuối, dơi, rong biển…). Phun rong biển, kali hữu cơ để tạo ngọt cho dưa.
Khi cây được 20 ngày sau thụ trái, giảm nước và chỉ tưới dịch chuối cho an toàn. Ngưng các loại phân bón trước thu 1 tuần. Cắt nước 3 ngày cuối trước khi thu hoạch để dưa ngọt đậm vị hơn.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet