Đối với những người tin Phật giáo, tháng 7 âm lịch hàng năm là dịp vô cùng đặc biệt. Đây là khoảng thời gian người người nhà nhà thành kính bước vào mùa Vu Lan báo hiếu, nhằm tri ân công ơn dưỡng dục của đấng sinh thành, viết tiếp truyền thống hiếu nghĩa uống nước nhớ nguồn tươi đẹp của dân tộc Việt.
Một trong những hoạt động quan trọng nhất của mùa lễ này là dâng hương dâng hoa, bày trí mâm cỗ, trang hoàng không gian thờ cúng của gia đình,... như một cách chiêm nghiệm quá khứ và bày tỏ lòng thành kính đến thế hệ đi trước. Những bình hoa mâm quả cũng vì thế mà được chăm chút tỉ mỉ hơn. Có không ít gia đình sẵn sàng đầu tư "khủng", vừa để trang trí không gian thờ tự, vừa mượn hương hoa dâng lên gia tiên tình cảm con cháu.
Chị Thuỷ (sinh năm 1976, Hà Nội) có nhiều năm kinh doanh hoa tươi cho biết, Vu Lan là một trong những dịp cao điểm chị làm việc gần như không có thời gian nghỉ ngơi. Khác với ngày thường, vào dịp lễ này, chị còn làm thêm những tháp hoa quả theo đơn đặt hàng để mọi người thuận tiện cúng bái. Chị chia sẻ: "Mình lên ý tưởng cắm hoa Vu Lan cũng rất tự nhiên. Ngày thường bán hoa rồi nhưng mà ngày lễ Vu Lan này thì mình muốn làm gì đó khác biệt nhưng phải sang trọng và tinh tế một chút để dâng lên ông bà gia tiên".
Khác với những bình hoa và mâm quả ngày thường, chị Thuỷ kết những tháp hoa quả xinh đẹp cho dịp lễ báo hiếu đặc biệt.
Những tháp hoa quả thơm, đẹp, mộc mạc
Tuỳ vào đơn đặt hàng của khách, mỗi tháp hoa quả sẽ có kích thước đường kính từ 30 - 50cm với nhiều mức giá khác nhau tuỳ vào nhu cầu mỗi người. Những tháp thuần hoa dao động từ 160.000 - 200.000 đồng, tháp hoa đắt nhất chị từng làm trị giá 3.000.000 đồng thì công phu hơn. Những tháp hoa phối quả sẽ có giá "nhỉnh" hơn, khoảng 1.200.000 - 4.000.000 đồng.
Những tháp hoa quả được kết nên nhờ sự khéo léo tỉ mỉ và lòng thành kính của mẹ đảm Hà thành.
Để dâng lên bàn thờ gia tiên trong dịp Vu Lan, chị Thuỷ thường chọn cắm sen, huệ Pháp, mẫu đơn ta,... mộc mạc, gần gũi nhưng không kém phần sang trọng. Nguyên liệu các loại quả gồm có nho, xoài, dưa vàng, dưa lưới, táo nhập khẩu, quả lê,... những thức quả mà gia đình Việt quen dùng khi dâng hương. Thỉnh thoảng chị trang trí thêm quả thị, trầu cau, bông bưởi,... những "hoa nhà quê xưa cũ" như một cách gợi nhắc quá khứ, truyền thống và những ký ức tuổi thơ vô giá. Mỗi tháp hoa quả xinh đẹp như thế có thể trưng được trong 4 - 5 ngày, chỉ cần phun sương để giữ hoa quả luôn tươi mới.
Một số nguyên liệu mộc mạc, gần gũi, đậm đà màu sắc quê hương được chị Thuỷ đưa vào những tháp hoa của mình.
Góp công sức cho Vu Lan thêm trọn vẹn
Với chị Thuỷ, việc kết các tháp hoa quả không đơn thuần là công việc kinh doanh. Bởi lẽ mỗi một tháp hoa quả đều đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức, chị phải từ chối nhiều đơn đặt hàng khác và ưu tiên làm giúp những người thân quen, những người con ở xa muốn báo đáp bố mẹ.
Trung bình mỗi tháp hoa cần 3 tiếng để hoàn thiện, bao gồm lót lá sen vào mẹt, gấp hoa, dùng xốp dựng tháp, cắm hoa vào xốp, sắp xếp hoa quả cho đẹp mắt rồi cố định lại. Chị Thuỷ cho biết: "Ôi làm một tháp hoa như thế này tốn nhiều thời gian và công phu lắm. Để có những bông hoa cắm lên thành tháp như vậy, phải mất từ khoảng 2-4 tiếng mới chuẩn bị tết xong. Hoa tết xong rồi còn dưỡng sau đó mới cắm, chỉnh sửa.".
Chị dùng lá sen lót kín mẹt.
Những bông hoa được gấp và dưỡng tỉ mỉ trước khi cắm.
Chị Thuỷ cắm hoa vào xốp, cố định hoa quả nhờ nghệ thuật sắp đặt và keo nến.
Có những hôm khách quen đặt hoa lúc nửa đêm và muốn nhận lúc sáng sớm, chị vẫn không quản vất vả thức trắng đêm để hoàn thành. "Mình làm tháp hoa chủ yếu vì đam mê, còn nếu mà kinh doanh ít người làm lắm bởi vì nó quá lâu và đòi hỏi sự tỉ mẩn cẩn thận. Dù vậy, mình cảm thấy vui khi có thể góp một chút công sức nho nhỏ, giúp mọi người có một mùa Vu Lan trọn vẹn, hiếu kính ông bà tổ tiên", mẹ đảm Hà Nội bộc bạch.
Thành quả mỹ mãn là công sức hơn 3 tiếng chuẩn bị, cắm và trang trí hoa quả.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet