Trước khi đi ngủ, ông Kha ở Hà Nội luôn dành một khoảng thời gian để đọc sách báo. Giống như phòng ngủ của nhiều gia đình ở thủ đô, phòng ngủ của gia đình ông có diện tích khá chật hẹp và ít ánh sáng tự nhiên. Để duy trì thói quen đọc sách trước khi đi ngủ, ông Kha tận dụng nhiều nguồn sáng khác nhau trong phòng. Điều này giúp ông có cảm giác nhìn chữ rõ hơn.
Sự đa dạng trong việc sử dụng bóng đèn trong gia đình ông Kha không chỉ được thể hiện ở phòng ngủ mà ngay cả ở phòng khách, nguồn sáng cũng được kết hợp từ nhiều loại bóng đèn trang trí khác nhau. Điều này đã được ông duy trì trong một thời gian khá dài.
Theo ông Kha, việc thiết kế ánh sáng như vậy vừa đảm bảo cường độ ánh sáng, vừa đảm bảo tính thẩm mỹ cho không gian. Trước đây ông đã rất bằng lòng với cách thiết kế này, nhưng giờ đây ông thấy mắt có vẻ kém đi nên đi khám bác sĩ. Lúc này ông mới được biết nguyên nhân là quá trình sử dụng ánh sáng chói quá, nhiều màu sắc quá.
Trong thế giới hiện đại, sự ô nhiễm này đang ngày càng phổ biến. Trường hợp của ông Kha là một trong số rất nhiều người đang chịu sự tác động của ô nhiễm ánh sáng mà không hề hay biết. Thường chỉ đến khi thị lực, sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng, họ mới bắt đầu để ý đến vấn đề này.
Tiến sĩ vật lý Nguyễn Văn Khải, Giám đốc trung tâm tư vấn tiết kiệm điện và dung dịch hoạt hóa điện hóa cho biết, vì trong mắt có 4 triệu nơron hình nón hoạt động ban ngày và 11 triệu nơron hình que hoạt động ban tối. Vì vậy, nếu chúng ta đang đọc sách dưới ánh sáng mà nhìn vào chỗ tối thì ngay lập tức bị lóa mắt và khi đang ở trong tối mà nhìn ra chỗ sáng cũng bị lóa mắt.
Ông cho biết, nếu học sinh khi nhìn lên bảng mà lại thấy các bóng đèn huỳnh quang có độ chói là 5.000 lít là mắt đã bị chói, bị kích thích, khi nhìn xuống vở với độ rọi sáng thấp hơn, có khi chỉ 30 - 50 lít, một lúc sau lại nhìn lên bảng với ánh sáng chói. Cứ như thế mắt phải điều tiết liên tục, gây ra mệt mỏi, căng thẳng, cuối cùng là loạn thị. Đặc biệt, nếu như sử dụng bóng đèn dây tóc thì ánh sáng có độ chói là 5 triệu lít, nên khi nhìn vào rất hại mắt.
Theo tiến sĩ Khải, nếu như việc hạn chế ô nhiễm ánh sáng ở những nơi công cộng là khá khó khăn, đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ngành, nhiều cấp thì trong gia đình mỗi người đều tự có thể hạn chế ô nhiễm ánh sáng bằng những lưu ý đơn giản như sau:
- Về nguyên tắc, tất cả các đèn khi lắp trên tường đều phải che chắn sao cho góc giữa mắt và bóng đèn đạt trên 67 độ. Còn nếu góc này thấp hơn 67 độ sẽ gây hại mắt.
- Tất cả các đèn phải có thau chụp, có cần đèn chứ không phải chỉ lắp mỗi bóng.
- Để chống ô nhiễm ánh sáng, người dùng cần chú ý chọn màu: đối với học sinh là màu trời nắng không mây.
-Tất cả các đèn đều phải chiếu từ trên xuống hoặc chiếu vào các vật. Ví dụ khi ta ngồi sử dụng máy tính mà đằng sau máy tính là cửa sổ mở thì là phản khoa học. Hoặc khi chúng ta xem tivi mà đằng sau tivi lại là cái bóng đèn cũng là phản khoa học.
- Cần bố trí ánh sáng hợp lý ở mọi chỗ trong gia đình, cả ở phòng khách, phòng ăn, phòng ngủ, nhà vệ sinh thì mới tránh được tác hại của ánh sáng với mắt và sức khỏe. Nếu không biết, bạn nên hỏi những chuyên gia về chiếu sáng.
(Theo VnMedia)
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet