“Yêu” 3, “tránh” 1
Từ nhỏ đến giờ, Trần Thị Nhị (17 tuổi, Hưng Yên) chưa bao giờ được bố mẹ chia sẻ, khuyên răn về chuyện yêu đương. Vì thế, chỉ nhận lời yêu được nửa tháng, Nhị đã xuôi theo lời bạn trai “dâng hiến hết mình”.
Sau mỗi lần yêu, bạn trai đều “phát” cho Nhị 1 viên màu trắng và bảo đó là TTTKC. Nhị cũng răm rắp nghe theo. Gần đây, bụng Nhị trướng to, ọc ạch khó chịu, hay nôn. Nhị vẫn nghĩ mình bị chứng khó tiêu. Đến khi nhà trường có đợt khám sức khỏe, bác sĩ đã chuyển Nhị lên bệnh viện huyện khám… sản.
Tư vấn sức khỏe sinh sản tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Hà Nội.
Kết quả siêu âm cho thấy, Nhị đã có thai hơn 3 tháng. Nhị ngơ ngác không hiểu tại sao mình tránh thai liên tục mà vẫn có thai. Hỏi về “tiền sử” quan hệ tình dục của đôi bạn trẻ, bác sĩ càng giật mình. Mỗi tuần Nhị uống 2-3 lần TTTKC, tùy vào khả năng trốn học đi gặp người yêu của Nhị. “Có lúc người yêu em không tiện mua thuốc nhưng anh ấy chắc chắn rằng thuốc được “gia hạn” 3 ngày sau khi “yêu” nên quan hệ vài lần rồi uống cũng chẳng sao” – Nhị tâm sự.
Đinh Thúy Liên (25 tuổi, Thanh Hóa) cũng dằn vặt hối hận vì dùng TTTKC tùy tiện. Yêu nhau từ hồi học đại học, cô và bạn trai muốn tiết kiệm tiền nhà nên đã sống chung như vợ chồng. Nhưng bạn trai của cô không thích dùng bao cao su, thuốc tránh thai hàng ngày thì Liên cũng không nhớ uống thường xuyên. Vì thế, cứu cánh của Liên là TTTKC. Cũng cứ vài ba ngày lại uống một vỉ loại 2 viên.
Có tháng, cô uống tới 7-8 lần. Cô thường xuyên chóng mặt, buồn nôn, mệt mỏi, hay bị rong kinh kéo dài. Tuy nhiên, cô cũng không đi khám xét gì. Hiện giờ hai đứa đã ổn định công việc, dự định tổ chức đám cưới. Cô cũng tính có con luôn nên đã “thả” hơn 1 năm nay, nhưng vẫn chưa có thai. Đi khám, bác sĩ cho biết, do cô dùng TTTKC quá tùy tiện, quá nhiều nên bị rối loạn kinh nguyệt, phải điều trị lâu dài mới mong có con. Hãn hữu mới dùng “khẩn cấp”
Bác sĩ Lương Thị Thanh Bình – Trưởng phòng Khám sản phụ Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình (RaFH) cho biết, không phải ngẫu nhiên mà TTTKC lại có tên “khẩn cấp”. Đó là loại thuốc chỉ dùng trong các trường hợp “cơ nhỡ” khi không kịp dùng các biện pháp tránh thai đơn thuần hoặc các phương pháp khác bị thất bại. Nó hoàn toàn không phải biện pháp tránh thai hàng ngày để có thể sử dụng như “cơm bữa”.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức, khi có nhu cầu tránh thai, các em nên tìm hiểu kỹ cách sử dụng và các tác dụng phụ được khuyến cáo. Tốt nhất là nên đến các cơ sở y tế để được tư vấn các biện pháp tránh thai cho đúng.
Nếu dùng thường xuyên, TTTKC có thể gây ra nhiều tác dụng phụ có hại cho sức khỏe, thậm chí ảnh hưởng đến hạnh phúc, tương lai lâu dài của bạn trẻ. Thuốc có thể gây buồn nôn hoặc nôn, đầy bụng, chóng mặt, làm rối loạn nội tiết, khiến cho bạn gái có thể bị rong kinh kéo dài hoặc vô kinh.
Khi đó, việc thụ thai lại trở nên khó khăn. Đó là chưa kể, việc uống thuốc nhiều, uống sai, khả năng tránh thai không còn, bạn trẻ vẫn “vô tư” dính bầu, phải đi nạo phá thai ngoài ý muốn, gây ảnh hưởng tâm lý, suy sụp sức khỏe, viêm nhiễm… Việc rối loạn nội tiết cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú và buồng trứng. “TTTKC không được sử dụng quá 2 lần/tháng, nghĩa là không quá 2 viên (đối với loại 1 viên/liều) hoặc 4 viên (đối với loại 2 viên/liều)” – bác sĩ Bình nhấn mạnh.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Đức – Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, không ít bạn trẻ hiện nay “tinh thông” về yêu đương, quan hệ tình dục nhưng lại “mơ hồ” về các biện pháp tránh thai. Các em biết về các biện pháp tránh thai như dùng bao cao su, uống thuốc tránh thai hàng ngày hay TTTKC nhưng lại không biết cách sử dụng cho đúng, càng ít biết về các tác dụng phụ.
“Cho dù bạo dạn yêu đương từ thuở 15-17 nhưng các em vẫn lén lút, giấu giếm, sợ thầy cô biết, bố mẹ hay. Vì thế, các em không chủ động tránh thai cho mình mà thường dùng TTTKC như giải pháp màu nhiệm. Khi có thai cũng lại coi phá thai như “biện pháp kế hoạch hóa”. Các em đã không hiểu rằng, đang đẩy sức khỏe, hạnh phúc và cả tính mạng của mình vào rủi ro lớn” – bác sĩ Đức nói.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet