Thời gian gần đây, ngôi nhà “tân cổ giao duyên” với lối kiến trúc độc đáo kết hợp giữa hiện đại và truyền thống khiến hội cộng đồng mạng không khỏi thích thú. Căn biệt thự không chỉ bề thế mà còn thể hiện được gu thẩm mỹ của chủ nhà vốn là gia đình có truyền thống làm nghệ thuật. Được biết căn nhà này nằm ở làng Liên Mạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) thuộc quyền sở hữu của gia đình chị Quỳnh Liên vốn là những doanh nhân trong lĩnh vực điêu khắc.
Căn nhà có kiến trúc độc đáo của gia đình chị Quỳnh Liên.
Với diện tích sàn 460m2 gồm 5 tầng và hàng nghìn tác phẩm nghệ thuật, căn nhà của chị Quỳnh Liên tạo cảm giác như một bảo tàng thu nhỏ. Lý giải về sự hoành tráng của căn nhà, chị Liên cho biết vì gia đình có truyền thống 4 đời làm nghệ thuật nên các tầng được trưng dụng làm nơi trưng bày tác phẩm của các thành viên.
Tầng 1 là phòng trưng bày tác phẩm điêu khắc, có khu vực sáng tác nghệ thuật, hồ cá và vườn cây. Tầng lửng là phòng trưng bày tranh của bố chị - hoạ sĩ Nguyễn Văn Chư. Tầng 2 là nơi trưng bày hơn 10 nghìn tác phẩm điêu khắc ứng dụng do công ty vợ chồng chị Quỳnh Liên sản xuất. Tầng 3 là không gian sinh hoạt, có bếp, 3 phòng ngủ cho vợ chồng và 2 con. Tầng 4 là không gian nhà cổ, trưng bày tác phẩm của ông bà, trồng nhiều cây ăn quả. Tầng 5 là phòng tập thể thao, kỹ thuật. Sân thượng được thiết kế như công viên thu nhỏ.
Sự hoành tráng của ngôi nhà không chỉ nằm ở diện tích và kết cấu mà còn được thể hiện qua những tác phẩm của gia đình có 4 đời làm nghệ thuật.
Căn nhà mất hơn một năm để xây dựng, từ tháng 2/2020 đến tháng 3/2021. Chỉ tính riêng chi phí xây thô và hoàn thiện cơ bản đã vào khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên chị Liên cho biết căn nhà vẫn còn tiếp tục được hoàn thiện vì mỗi ngày vợ chồng chị đều ngắm nghía từng góc nhà, không ngừng tìm kiếm ý tưởng để bồi đắp thêm cho “tác phẩm nghệ thuật để đời” của gia đình.
Sống trong ngôi nhà rộng lớn với nhiều tác phẩm nghệ thuật mang đến nhiều niềm vui và cảm hứng sáng tác cho vợ chồng chị Liên. Tuy nhiên, gia chủ cũng tiết lộ “nỗi khổ không của riêng ai” đó là khó khăn khi lau chùi và dọn dẹp nhà. Hiện tại gia đình có 5 lao công đảm nhận công việc này. Chị Quỳnh Liên hài hước bật mí: “Cũng may nhà mình kết hợp giữa nhà ở và công ty, nếu không sẽ “đau ví” lắm”.
Điểm nhấn nổi bật nhất của căn biệt thự có lẽ là phần nhà cổ trăm tuổi được giữ gần như nguyên vẹn. Chị Quỳnh Liên chia sẻ: “Anh chị luôn tâm niệm gìn giữ, tu tạo những gì cha ông để lại chứ không phá bỏ. Tôn trọng nhu cầu và mong muốn của ông bà, đồng thời giá trị căn nhà phải gắn với công năng sử dụng chứ không phải xây cho đẹp, xây để ngắm”.
Đây cũng chính là lý do căn nhà “tân cổ giao duyên” độc nhất vô nhị ra đời. Bên trên cốt nhà hiện đại và tiện nghi là gian nhà thờ cổ nằm ở tầng 4. Để di dời phần nhà cổ và giữ vẹn nguyên hiện trạng, gia đình chị đã nhờ kiến trúc sư tính toán kết cấu kỹ lưỡng. Phần nhà cổ hiện tại gần như được lắp dựng như nguyên bản, chỉ thay thế một số thanh gỗ bị hư hỏng vì thời gian.
Đây cũng là nơi chị Quỳnh Liên yêu thích nhất trong căn nhà. Bởi lẽ nó gợi lên hình ảnh của quê hương, của những giá trị truyền thống mà gia đình đã gìn giữ bao đời. Từ không gian nhà cổ, chị có thể ngắm được phong cảnh sông Hồng, bờ đê thân thương, cảm thấy gần gũi với thế hệ đi trước, thư thái và bình yên.
Góc nhà cổ bình yên mang màu sắc làng quê Việt Nam dân dã.
Gian tầng có nhà cổ được gia đình chị Liên chăm chút cây ăn quả và hồ nước phong thuỷ, tạo cảm giác như ở mặt đất.
Đúng như lời chị Liên tâm sự, căn nhà chính là “tác phẩm nghệ thuật để đời” của cả gia đình. Vì ngoài trừ kết cấu do kiến trúc sư đo vẽ, tất cả ý tưởng và thiết kế mỹ thuật đều do chính tay vợ chồng anh chị cùng nhau thực hiện. May mắn là trong quá trình này, vợ chồng chị Liên rất ăn ý, có cùng quan điểm về tổ ấm và dễ dàng tìm ra tiếng nói chung trong cách thể hiện.
Theo chị Liên, quan trọng nhất là phải đạt được sự hài hoà. “Hiện nay có rất nhiều biệt thự to đẹp, nhà cổ hay nhà gỗ theo phong cách ngày xưa cũng không thiếu. Nhiều người cũng có ý tưởng đưa nhà thờ lên sân thượng. Tuy nhiên để đạt được sự hài hoà trong thiết kế, cân bằng giữa giá trị thẩm mỹ, truyền thống lẫn công năng sử dụng thì không hề dễ dàng”.
Không gian hài hoà giữa hiện đại và truyền thống, có nhiều cây xanh, tiểu cảnh,... tạo cảm giác thoáng mát, gần gũi với thiên nhiên.
Tổ ấm bỗng trở nên nổi tiếng và được nhiều người biết đến, chị Liên không giấu được niềm vui xen lẫn tự hào. Thế nhưng trên tất cả, cảm giác thân thương khi trở về nhà, được sống trong không gian hoài niệm và những tác phẩm mình yêu thích có lẽ chính là niềm hạnh phúc lớn lao nhất của gia đình chị.
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet