Miền đồng “xứ nẫu” bình định có một loại mắm độc nhất vô nhị, đó là mắm cua. Người dân đi làm đồng mà bắt được con cua, con rạm là lập tức đem về làm mắm. Sau khi rửa sạch, bỏ yếm, toàn bộ con cua được cho vào cối giã thật nhuyễn, rồi dùng nước sạch để lọc tách xác bã khỏi phần nước cua. Nước này được trút vào nồi hoặc chậu, đậy kín và cứ để thế qua đêm cho “lên tuổi” hay “bị ử” như cách gọi của người dân địa phương.
Sau một đêm “lên tuổi”, nồi nước cua xuất hiện một mùi khăn khẳn khá khó ngửi, giống như bã cua để ngoài trời nắng vài tiếng mùa hè vậy. Nguồn gốc của thứ mùi đặc trưng này là do chất đạm trong thịt cua bị phân hủy. Giờ chỉ cần bắc nồi to, phi hành khô cho thơm và vàng, rồi đổ nước cua vào chưng thành mắm.
Do đã được “lên tuổi” nên sẽ xảy ra hiện tượng kết tủa thành gạch trong quá trình chưng mắm cua. Sau khi hoàn thành, nồi mắm cua sẽ có màu nâu đặc trưng của mắm, trên bề mặt loang loáng ánh đỏ của gạch cua, và tỏa thứ mùi khiến người chưa quen “phát sợ” còn người đã quen thì tứa nước miếng đầy khoang miệng.
Húp thử một muôi nhỏ mắm cua, bạn sẽ thấy nồng nàn hương vị ‘thôi thối” nhưng lại ngầy ngậy, beo béo. Bạn sẽ hỏi: Mắm cua ăn thế nào? Đơn giản là mắm cua dùng để ăn kèm cơm hay chan bún đều “lợi hại mức độ tối đa” cả.
Múc một bát mắm cua nóng ra, sau đó dùng để chấm rau luộc hay rau sống, ăn kèm cơm nóng. Đơn giản thế thôi nhưng nồi cơm bị thổi bay lúc nào không biết. Vào những hôm mưa rả rích, “xứ nẫu” buồn đến nẫu cảnh, nẫu người, miệng có khi chỉ thèm một tô cơm trắng nóng hổi ăn với mắm cua và rau lang luộc. Hoặc chỉ cần dùng mắm cua chan vào bát bún tươi, bẻ thêm vào quả ớt xanh thì ăn chẳng biết đâu là điểm dừng. Mắm cua là món ăn dân dã nhưng sức gây nghiện của nó nhờ cái mùi chẳng kém gì mùi mắm tôm với dân Bắc hay mùi thơm của trái sầu riêng với người Nam.
bún mắm cua ăn dễ ghiền. Ảnh: Eccook |
Dọc theo con đường Tây Sơn Thượng Đạo, băng qua con đèo An Khê, mắm cua lên Pleiku để biến hóa thành một thứ đặc sản chỉ có ở Phố Núi: Bún mắm cua. Ở đây, bún mắm cua được chế biến cầu kỳ hơn, tuy nhiên, hồn cốt của món ăn này là mắm cua thì không thay đổi phương thức chế biến.
Một gánh bún mắm cua thường có một nồi mắm cua luôn được giữ sôi liu riu trên bếp than, bên trong có măng le khô thái mỏng, lập lờ những quả trứng vịt đã luộc chín và bóc vỏ. Ngoài ra còn có thịt ba chỉ đã xào săn, nem chua, chả (giò) heo hoặc bò, bóng (bì) heo chiên phồng và muôn vàn rau sống…
Bún tươi, sau khi trụng nước sôi, được trút vào tô, rồi lần lượt bên trên là quả trứng vịt, vài miếng thịt ba chỉ xào săn, một khẩu nem chua hoặc chả, vài miếng bóng heo chiên phồng, giá đỗ. Sau cùng, một muôi mắm cua kèm măng le sẽ được chan lên tô bún để hoàn tất công đoạn chế biến. Tô bún được bưng ra bàn kèm rổ rau sống gồm xà lách, ngổ, húng quế, húng bạc hà, bắp chuối.
Múc một thìa tương ớt đỏ cay xè cho vào, kế đó là thìa mắm nêm rồi khéo léo dùng đũa trộn đều tô bún để mọi nguyên liệu thấm đẫm mắm cua và tương ớt. Ăn bún kèm các loại rau sống và vài tép tỏi tươi, bạn sẽ được hưởng một thứ đồ ăn có hương vị mạnh mẽ và dữ dội.
Vị mắm cua mằn mặn nhưng béo nồng, măng bùi bùi, rau sống tươi mát, ớt cay xé, tỏi thơm nồng, bì heo chiên giòn rụm… Hiếm có thứ bún mắm nào trên đời lại nồng nàn, đậm đà, quyến rũ như bún mắm cua Pleiku. Cái giá cho một tô bún mắm cua hấp dẫn như thế chỉ là 10.000 đồng. Quá rẻ cho một món đặc sản.
Một hàng bún mắm cua ở phố Núi Pleiku. Ảnh: Parsley |
Rất nhiều người khi tới Phố Núi đã lắc đầu quầy quậy khi mới ngửi thấy mùi mắm cua, thế nhưng, sau khi đã “chịu mùi”, họ lại tâm đắc với thứ mắm có mùi thơm ngất ngây, mặn mòi, đậm đà này.
Nếu đến Phố Núi, bạn hãy cố gắng “vượt qua sợ hãi” để thưởng thức món bún mắm cua “thối” này. Bạn có thể tìm thấy quán bán bún mắm cua ở đường Phùng Hưng vào buổi chiều hoặc cổng chợ đêm ở trung tâm thành phố Pleiku, nơi có bán bún mắm cua từ tối đến khuya muộn. Biết đâu, bạn sẽ trở thành tín đồ mới của thứ đặc sản “mới ngửi thì ghê ghê, hễ ăn được là mê” này.
Xem thêm: 12 món ngon ăn là mê của đất Bình Định
Theo Ngoisao
Nguồn thông tin được HOCHOIMOINGAY.com sưu tầm từ Internet